Cập nhật: 02/02/2022 18:02:00
Xem cỡ chữ

Mỗi đồng bào dân tộc Việt Nam lại có những phong tục độc đáo riêng, trong dịp tết đến xuân về các dân tộc ít người thể hiện những đặc trưng để đón Tết cổ truyền mừng năm mới. Trong số đó phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Sán Dìu, ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, nơi có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc sinh sống.

Trước tết khoảng một tuần, các gia đình đồng bào dân tộc Sán Dìu đã tất bật chuẩn bị lá dong gói bánh chưng, lá chít để gói bánh nẳng, lá chuối để gói bánh dày và mua sắm, sửa sang các vật dụng cần thiết trong gia đình, chuẩn bị đầy đủ về lương thực, thực phẩm cho dịp tết. Từ ngày 28 Tết, các gia đình đã bắt đầu mổ lợn, gói bánh chưng gù đặc trưng của dân tộc mình.

Một phong tục không thể thiếu của đồng bào Sán Dìu đó là dán giấy đỏ vào cổng, cửa chính và các vật dụng trong nhà. Theo quan niệm của đồng bào, dán giấy đỏ để báo hiệu mùa Xuân đã về và đánh dấu những đồ, vật dụng là của gia đình mình. Trang phục truyền thống ngày tết của Người Sán Dìu cũng là một nét đặc trưng văn hóa của người Sán Dìu. Không sặc sỡ và thêu thùa cầu kỳ nhiều hoa văn, màu sắc như một số dân tộc khác mà khá đơn giản, đẹp mắt, gọn gàng, toát lên vẻ đẹp mạnh mẽ và khỏe khoắn.

Một món ăn tinh thần cũng không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Dìu, đó là hát Sọong cô. Làn điệu Sọong cô khi cất lên ca ngợi mùa Xuân, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, đồng bào cầu mong cho một năm mới với nhiều những điều tốt đẹp, con người, vạn vật được tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Xuân đến khiến đất trời dịu êm, tiếp thêm nhựa sống cho vạn vật. Sắc Xuân tràn ngập khắp trên các tuyến đường bê tông trải rộng, những ngôi nhà kiên cố; đường làng, ngõ xóm được dọn dẹp sạch sẽ góp phần để không khí Tết của người Sán Dìu nói riêng, người dân trên địa bản nói chung thêm tươi vui, đầm ấm.

Nguyễn Toàn