Đưa chất liệu truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Việt vào trong các sản phẩm âm nhạc đương đại trở thành xu hướng của các nghệ sĩ trẻ và được khán giả đón nhận.
Trong vài năm trở lại đây, V-pop chứng kiến sự trỗi dậy của EDM, rap/hiphop, indie… tạo nên sự đa dạng cho thị trường âm nhạc vốn đã rất sôi động. Những tác phẩm mang xu hướng quốc tế, hiện đại ra đời, chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi những nền âm nhạc lớn trên thế giới như US-UK, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… khiến thị trường âm nhạc Việt trở nên bão hòa với nhiều tác phẩm na ná nhau.
Tách khỏi dòng chảy đó, một số nghệ sĩ trẻ đã thử nghiệm, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, khai thác chất liệu văn hóa nghệ thuật truyền thống và văn học Việt Nam, “tái sinh” những tác phẩm cổ truyền theo phương thức mới, mang hơi thở thời đại đã thu hút được sự quan tâm, yêu thích của đông đảo người âm nhạc.
Nổi bật và thành công trong số đó phải kể đến Hoàng Thùy Linh. Mở đầu là “Bánh trôi nước” khai thác chất liệu văn học, hàng loạt tác phẩm sau đó của Hoàng Thùy Linh cũng có yếu tố dân gian, mang đậm màu sắc văn hóa Việt như “Tứ phủ”, “Duyên âm”, “Kẻ cắp gặp bà già”…
Đặc biệt là bản hit “Để Mị nói cho mà nghe” đã khiến cộng đồng mạng “điên đảo”. Ở khắp các nơi, từ cửa hàng ngoài phố đến các chương trình truyền hình đều có thể bắt gặp tác phẩm này. “Để Mị nói cho mà nghe” mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Lão Hạc”, “Tắt đèn”, “Số đỏ”… đã khiến khán giả đồng cảm.
MV này đã giúp Hoàng Thùy Linh thắng 4 hạng mục của giải âm nhạc “Cống hiến” 2019, 7 giải âm nhạc “Làn sóng xanh”, cho thấy sức hút từ những tác phẩm dung hợp yếu tố truyền thống và đương đại là rất lớn nếu được đầu tư một cách nghiêm túc, sáng tạo và phù hợp thị hiếu.
Bên cạnh Hoàng Thùy Linh, hàng loạt tác phẩm khác cũng nhận được sự yêu mến của công chúng như “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam khai thác âm hưởng dân gian miền núi; Bích Phương với MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” mang dấu ấn văn hóa Tây Bắc; Hòa Minzy với MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” khai thác câu chuyện lịch sử về mối tình giữa Nam Phương Hoàng hậu với vua Bảo Đại của Triều Nguyễn; “Bống bống bang bang” của 365da Band khai thác câu chuyện “Tấm Cám”; Chipu với MV “Cung đàn vỡ đôi” lồng ghép chất liệu cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ; Đức Phúc với “Người ơi người ở đừng về” sử dụng yếu tố dân ca quan họ Bắc Ninh; “Chân ái” của Orange, Châu Đăng Khoa và rapper Khói kết hợp những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo… với thể loại R&B/Hiphop sôi động…
Bên cạnh nhiều tác phẩm đương đại chỉ đưa yếu tố dân gian để thêm phần phong phú, nhiều nghệ sĩ lại lựa chọn lấy dân gian làm hồn cốt để tạo ra những tác phẩm mới theo cách hiện đại để tiếp cận giới trẻ. Trong đó có MV “Cô đôi thượng ngàn” với âm hưởng chầu văn đậm đặc của ca sĩ Tân Nhàn; “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh” kết hợp xẩm với rap và EDM của ca sĩ Hà Myo; Sao Mai Quách Mai Thy với MV “Mục hạ vô nhân” dựa trên điệu Xẩm chợ; Phùng Khánh Linh với “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, kết hợp giữa EDM và quan họ Bắc Ninh…
Thực chất, việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại không phải là cách làm mới, là bước đi tiên phong của thế hệ trẻ ngày nay. Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, ở giai đoạn nào cũng có những tác phẩm nổi tiếng với cảm hứng từ chất liệu dân tộc, âm nhạc truyền thống. Các nhạc sĩ như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Quốc Trung, Lê Minh Sơn… đã thành công với hàng loạt sáng tác dân gian đương đại, trở thành bất hủ với nhiều thế hệ yêu nhạc Việt Nam.
Bởi vậy, việc giới trẻ ngày nay tiếp nối các thế hệ đi trước, mang truyền thống đi cùng thời đại là tín hiệu tích cực, giúp âm nhạc Việt Nam giữ gìn bản sắc và khẳng định được tầm quan trọng của những nét đẹp văn hóa dân tộc trong âm nhạc đương đại để hòa nhập với âm nhạc quốc tế.
NSƯT Hoàng Xuân Bình - Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho biết: “Những sản phẩm nghệ thuật có sự đan xen giữa xưa và nay như một cây cầu nối để thế hệ ngày nay cảm thấy thích thú với những giá trị xưa của truyền thống dân tộc. Trong khi, những thế hệ đi trước như chúng tôi lại cảm thấy thế hệ ngày nay đã làm cho giá trị xưa hấp dẫn hơn”.
Song, không phải sự kết hợp truyền thống – đương đại nào cũng mang lại kết quả tốt. Nhiều tác phẩm đã nổ ra tranh cãi khi vượt qua ranh giới của sự phá cách khuôn mẫu truyền thống. Một số tác phẩm lại biến tấu quá đà yếu tố truyền thống từ trang phục, bối cảnh, đến chất liệu âm nhạc gây nên sự phản cảm. Do đó, các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ phải thật sự cẩn trọng khi khai thác chất liệu văn hóa truyền thống trong sáng tác âm nhạc. Điều này cũng đòi hỏi nghệ sĩ phải có kiến thức, hiểu biết nhất định mới có thể tạo ra được cái mới trên nền “người khổng lồ truyền thống”.
Điều đó cũng giải thích lý do vì sao, số lượng những tác phẩm truyền thống đương đại này còn quá ít so với những tác phẩm thịnh hành cho khán giả trẻ. Cũng hiếm có nghệ sĩ nào chọn con đường này để theo đuổi bởi nó rất khó đi cho cả nghệ sĩ và kén cả đối tượng khán giả nghe, thưởng thức.
Song, không vì thế mà nghệ sĩ trẻ thời nay buông tay, dẹp bỏ sự sáng tạo, tìm tòi những điều hay trong kho tàng dân gian. Dẫn lời Quán quân Sao Mai 2019 Quách Mai Thy chia sẻ: “Mọi người luôn nói, nghệ thuật là sự kế thừa và phát triển. Nếu cứ giữ nguyên xẩm, chầu văn, ca trù... thì mãi chỉ như thế. Mỗi người sinh ra sẽ có một sứ mệnh, và tôi cũng như nhiều nghệ sĩ trẻ khác có tham vọng mang nhạc dân gian phát triển phù hợp với thời đại, dễ nghe hơn, thậm chí đưa chất liệu nhạc dân gian lên đỉnh cao hơn”.
Và một ngày nào đó, những tác phẩm mang dấu ấn, mang hồn cốt của dân tộc Việt sẽ vươn xa ra với thế giới./.
Theo Thanh Vân/VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/dau-an-van-hoa-truyen-thong-viet-nam-trong-nhac-tre-duong-dai-post920323.vov