Cập nhật: 18/02/2022 07:55:00
Xem cỡ chữ

Còn ống động mạch là bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm khoảng 10% các trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh. Tỉ lệ mắc bệnh này ở nữ giới gấp 2 lần nam giới. Đây là bệnh lý hay gặp ở trẻ sinh non, hầu hết có kèm theo các bệnh lý tim mạch khác.

1. Còn ống động mạch là gì?

Bình thường ống động mạch tồn tại 2 - 6 ngày sau khi sinh. Nếu sau thời gian ống không đóng lại gọi là còn ống động mạch.

Ống động mạch là cấu trúc mạch nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ. Trong giai đoạn bào thai, ống động mạch mang 90% máu từ động mạch phổi sang động mạch chủ. Ống động mạch co thắt, đóng về mặt sinh lý vài ngày sau sinh và đóng về mặt giải phẫu (tạo thành dây chằng động mạch) một vài tháng sau sinh.

Ở hầu hết trẻ sơ sinh đủ tháng, ống động mạch đóng ở thời điểm 48 giờ tuổi, trẻ ≥ 30 tuần ống động mạch đóng 90% ở 72 giờ tuổi. Ống động mạch mở > 72 giờ tuổi được coi là tồn tại ống động mạch hay còn ống động mạch.

Nếu kích thước của ống động mạch nhỏ, nguy cơ chủ yếu là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Nếu kích thước ống động mạch lớn sẽ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ từ lúc sinh đến 12 tháng sau sinh và làm tăng áp lực động mạch phổi.

Còn ống động mạch ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 2.

Ống động mạch là cấu trúc mạch nối giữa động mạch phổi và động mạch chủ.

2. Còn ống động mạch thường gặp ở trẻ nào?

Bệnh chia thành 2 nhóm còn động mạch ở trẻ sơ sinh.

- Bệnh còn ống động mạch ở trẻ sơ sinh non tháng: Tồn tại ống động mạch sau sinh ở trẻ sinh non là do ống động mạch không trải qua tất cả các giai đoạn trưởng thành về mặt cấu trúc. Quá trình đóng ống động mạch về mặt chức năng và giải phẫu không xảy ra hoàn toàn trong vòng vài ngày sau sinh (hay còn gọi là chậm đóng ống động mạch). Tỉ lệ mắc còn ống động mạch ở trẻ sinh non tỉ lệ nghịch với tuổi thai và cân nặng lúc sinh. Tỉ lệ còn ống động mạch ở trẻ < 750g là 80%. Đối với trẻ <1000g là 40% và trẻ từ 1500 - 1750g tỷ lệ này là 7%.

- Bệnh còn ống động mạch bẩm sinh: Sự tồn tại ống động mạch trên trẻ ngoài 3 tháng tuổi, chiếm 13,5% bệnh tim bẩm sinh.

Bệnh còn ống động mạch ở trẻ đủ tháng và trẻ em có thể coi là dị tật bẩm sinh nguyên phát của thành động mạch. Điều này giải thích còn ống động mạch ở trẻ đủ tháng không đáp ứng điều trị.

Còn ống động mạch ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 3.

Còn ống động mạch là bệnh lý hay gặp ở trẻ sinh non.

3. Nguyên nhân gây còn ống động mạch

Nguyên nhân của bệnh còn ống động mạch vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do yếu tố di truyền.

Còn ống động mạch thường gặp ở trẻ sinh non và gặp ở nữ nhiều gấp hai lần nam giới. Bệnh cũng thường gặp ở trẻ bị hội chứng suy hô hấp sơ sinh, rối loạn di truyền. Người mẹ trong ba tháng đầu của thai kỳ nhiễm Rubella làm tăng tỷ lệ mắc phải còn ống động mạch ở trẻ. Tiền sử gia đình mắc bệnh tim bẩm sinh cũng là nguyên nhân gây bệnh. Trẻ có các bệnh lý di truyền khác như hội chứng Down, hội chứng Noonan…

4. Nhận biết còn ống động mạch ở trẻ

Còn ống động mạch nhỏ thường không có triệu chứng và thường được chẩn đoán khi bác sĩ nghe tim trẻ hoặc đánh giá qua siêu âm. Trên thực tế, còn ống động mạch thường không có triệu chứng sớm, nhưng trong vòng 12 tháng đầu của trẻ có sự gia tăng gánh nặng khi thở và tăng cân chậm. Trẻ trên 12 tháng còn ống động mạch có thể dễ mệt mỏi hơn và thường xuyên viêm phổi.

Các dấu hiệu sau có gợi ý về việc còn tồn tại ống động mạch:

Các biểu hiện trẻ mệt, khó thở khi gắng sức (bú, khóc…).

Sốt, ho tái phát nhiều lần.

Trẻ chậm lớn, chậm biết đi.

Việc chẩn đoán còn ống động mạch chủ yếu dựa trên siêu âm tim mạch. Siêu âm thường quy vào ngày thứ 2 - 3 sau sinh cho tất cả các trẻ sinh non suy hô hấp và các trẻ sinh non < 28 tuần.

Chụp X-quang tim phổi với ống động mạch nhỏ, vừa có thể không có thay đổi trên XQ tim phổi. Với ống động mạch lớn, có thể thấy tăng máu lên phổi, bóng tim to trong trường hợp suy tim.

Còn ống động mạch ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 4.

Còn ống động mạch là bệnh tim bẩm sinh thường gặp.

5. Điều trị còn ống động mạch ở trẻ

Hầu hết các trường hợp trẻ mắc bệnh còn ống động mạch nhưng có cấu trúc tim bình thường, ống động mạch sẽ co lại và tự biến mất trong vài ngày đầu sau sinh. Một số ống động mạch sẽ tự đóng khi trẻ được một tuổi.

Ở trẻ sinh non, ống động mạch có nhiều khả năng tiếp tục mở, đặc biệt là nếu trẻ có bệnh phổi. Lúc này cần xem xét các biện pháp điều trị đóng ống động mạch.

Ở trẻ có dị tật tim kèm theo làm giảm lưu lượng máu từ tim đến phổi hoặc làm giảm lưu lượng máu giàu oxygen cho cơ thể, lúc ấy ống động mạch tồn dư kéo dài có thể có lợi ích cho trẻ, bác sĩ có thể kê thuốc để giữ ống động mạch tiếp tục mở.

Tóm lại, đối với trẻ không có những biểu hiện nguy hiểm, các bác sĩ chỉ định có thể theo dõi tình trạng tim của trẻ trong những tuần đầu sau sinh. Ở trẻ sinh non, bác sĩ có thể dùng thuốc chống viêm không Steroid giúp đóng ống động mạch. Nếu trẻ có biểu hiện nặng có thể được điều trị bằng phẫu thuật.

Còn ống động mạch ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và những lưu ý - Ảnh 5.

Nguyên nhân của bệnh còn ống động mạch vẫn chưa được biết rõ.

6. Lời khuyên của thầy thuốc

Là một dị tật nên không thể ngăn chặn còn ống động mạch. Nhưng để giúp thai kỳ khỏe mạnh phát triển bình thường thì khi mang thai mẹ bầu cần thực hiện các khuyến cáo của cán bộ y tế.

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ để không mắc các bệnh truyền nhiễm, khi mang thai không được sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trước và trong khi mang thai cần có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều axit folic, hạn chế chất kích thích như cafeine. Cần thường xuyên tập thể dục hằng ngày để nâng cao sức khoẻ. Nếu tiền sử bản thân người mẹ, gia đình mắc tim bẩm sinh, thảo luận với bác sĩ các vấn đề liên quan trước khi mang thai.

Khuyến cáo nên điều trị thuốc cho trẻ sinh non ngay sau khi sinh để hạn chế sự phát triển của khiếm khuyết còn ống động mạch và giảm nguy cơ biến chứng. Sử dụng thuốc cho trẻ sinh non cũng giúp hạn chế các can thiệp phẫu thuật không cần thiết.

Theo TS.Vũ Ngọc Lương/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/con-ong-dong-mach-o-tre-nguyen-nhan-va-trieu-chung-169220213173213793.htm