Cập nhật: 20/02/2022 15:00:00
Xem cỡ chữ

Theo WHO, số ca giảm là do giảm xét nghiệm, và việc này vô hình trung lại gây nhiều khó khăn hơn trong việc truy vết dòng phụ BA.2 đang ngày một gia tăng trong cộng đồng.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Làn sóng biến thể Omicron đang có chiều hướng giảm bớt, nhưng điều này không diễn ra nhanh chóng vì sự hoành hành của dòng phụ BA.2 hay còn gọi là "Omicron tàng hình."

Vì vậy, các nhà khoa học đang theo dõi sát dòng phụ có khả năng lây lan nhanh hơn dòng chính Omicron hay không.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron có thể khiến người ta hiểu nhầm thực tế.

Theo WHO, số ca giảm là do giảm xét nghiệm, và việc này vô hình trung lại gây nhiều khó khăn hơn trong việc truy vết dòng phụ BA.2 đang ngày một gia tăng trong cộng đồng. WHO cũng cảnh báo dòng phụ BA.2 có thể sẽ "ngày càng vượt trội."

WHO cũng thận trọng rằng không nên suy diễn nhiều về xu hướng giảm hiện nay. Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết thay vì dựa vào số ca nhiễm, lo ngại lớn hơn là số ca tử vong do COVID-19 đang tăng liên tiếp 6 tuần gần đây.

Tuy nhiên, dù BA.2 có thể làm kéo dài làn sóng Omicron nhưng các nhà khoa học cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy BA.2 gây bệnh nặng hơn BA.1.

Theo số liệu của WHO, hiện BA.2 chiếm khoảng 1/5 số ca mới nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới. Đan Mạch là nước đầu tiên ghi nhận rằng BA.2 đã vượt qua BA.1. 

Hiện dòng phụ BA.2 đang trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước châu Á, như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Philippines. 

Trong khi các quan chức y tế cùng với WHO đang thu thập dữ liệu về mọi dòng phụ của Omicron (thực tế không chỉ có BA.2), hiện vẫn chưa có bằng chứng nào để khẳng định chúng ta sẽ xử lý dòng phụ mới này theo một cách khác với các biến thể trước đây.

Bà Kerkove cho biết BA.2 rõ ràng đang gia tăng nhưng đó cũng chỉ là Omicron. Bà cho rằng BA.2 lây lan nhanh hơn các dòng phụ khác của Omicron. Vì khả năng lây lan này, các nhà khoa học lo ngại sự nổi lên của BA.2 sẽ có thể kéo dài làn sóng lây nhiễm hiện nay và khiến thêm nhiều người nhập viện và tử vong.

Một nghiên cứu ở Đan Mạch, hiện chưa được giới chuyên gia kiểm chứng, phát hiện rằng không có sự khác biệt về tỷ lệ nhập viện của người nhiễm biến thể Omicron gốc với người nhiễm dòng phụ BA.2.

Nhưng một nghiên cứu khác ở Nhật Bản lại cho rằng BA.2 có thể khác với biến thể gốc đủ để được coi là biến thể mới và có thể nghiêm trọng hơn.

Các báo cáo trên đều đang ở giai đoạn sơ bộ và các nhà khoa học cần thêm thông tin lẫn thời gian để theo dõi xu hướng lây nhiễm hiện nay, cũng như xác định các biện pháp điều trị có hiệu quả không.

Cũng giống như biến thể Omicron, dòng phụ BA.2 làm giảm mức độ bảo vệ của các vaccine hiện hành so với các biến thể trước, nhưng chưa có dữ liệu cho thấy tình hình đang xấu đi. Và cũng còn quá sớm để đưa ra câu trả lời khẳng định về việc một người có thể tái nhiễm Omicron hay không.

Liên quan đến biến thể Omicron, các chuyên gia y tế Malaysia cho biết biến thể này đang đặt ra mối đe dọa đặc biệt cho trẻ em dưới 5 tuổi, một trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19 do chưa có vaccine thích hợp cho độ tuổi này.

Các chuyên gia kêu gọi ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, những đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine và mũi tiêm tăng cường nên tiêm chủng ngay lập tức để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Làn sóng lây nhiễm và nhập viện do COVID-19 ở các em nhỏ dưới 11 tuổi trong những tuần gần đây tại Malaysia đã làm gia tăng sự lo ngại rằng biến thể Omicron có thể đặt ra mối đe dọa lớn cho nhóm lứa tuổi này nhiều hơn các biến thể trước đó.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà virus học phân tử, Tiến sỹ Vinod Balasubramaniam, khoa Y sinh thuộc Đại học Monash Malaysia cho biết trước khi xuất hiện biến thể Delta và Omicron, trẻ em dường như thoát khỏi sự tấn công của dịch COVID-19. Có rất ít trẻ bị ốm nặng, thậm chí các em mắc ốm nhẹ hơn so với người lớn.

Nhưng hiện số trẻ đặc biệt là ở nhóm tuổi dưới 5 tuổi, bị mắc và nhập viện do COVID-19 đã tăng vọt. Theo Tiến sỹ Vinod, sự gia tăng số ca mắc và nhập viện có thể là kết quả của sự kết hợp các yếu tố, một trong số đó là tính chất dễ lây lan của Omicron. Bên cạnh đó, có thể là do sự thích ứng của Omicron đối với đường hô hấp trên, nơi dễ bị tắc nghẽn hơn ở trẻ nhỏ.

Theo thống kê từ ngày 2-12/2, có khoảng 16.959 ca mắc COVID-19 ở trẻ em dưới 12 tuổi, tăng 160% so với 6.524 ca được ghi nhận trong tuần trước đó (từ ngày 30/1-5/2).

Trong số này, 6.163 ca liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi và 10.796 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Có 3 ca tử vong do COVID-19 liên quan đến trẻ em dưới 12 tuổi (2 ca dưới 5 tuổi). Malaysia cũng ghi nhận mức tăng đột biến số ca nhập viện nhi do COVID-19.

Chuyên gia y tế cộng đồng, nhà dịch tễ học, Tiến sĩ Zainal Ariffin Omar cho rằng trong khi chờ đợi nghiên cứu về vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, các bậc cha mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đề phòng cho con em mình thông qua các biện pháp giãn cách xã hội như tránh đến nơi đông người, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ và đảm bảo dinh dưỡng tốt./.

Theo Bích Liên-Hằng Linh (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/dong-phu-omicron-tang-hinh-co-the-keo-dai-lan-song-lay-nhiem-omicron/773980.vnp