Để phát triển vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng dự thảo Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, phát huy lợi thế của tỉnh và đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng của thị trường.
Đề án hướng tới mục tiêu cụ thể về phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh như: các loại gạch, vật liệu xây không nung, đá, cát – sỏi xây dựng, bê tông và các loại vật liệu hữu cơ hoặc vật liệu thay thế. Để thực hiện, Đề án đưa ra các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; phát triển thị trường tiêu thụ; khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản; khoa học công nghệ; nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và giải pháp về quản lý Nhà nước.
Đề án cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư khoa học công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và đáp ứng các tiêu chí theo Luật Xây dựng. Hợp tác xã Vật liệu xây dựng tuổi trẻ phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên là một trong những đơn vị sản xuất tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm qua. Các sản phẩm chủ lực của hợp tác xã là gạch lát các loại, cống hộp, cống tròn, đế cống, cọc tiêu, rãnh, vỉa, nắp rãnh, bê tông thương phẩm, bê tông asphalt với độ bền cao và đã được lựa chọn sử dụng tại nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Nhằm thay thế dần gạch đất xét nung với công nghệ lạc hậu, Công ty TNHH 3-5 Vĩnh Phúc, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy với dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất 42 triệu viên/năm theo chủ trương khuyến khích sử dụng gạch không nung của UBND tỉnh. Do có độ chịu nén, chịu kéo và thấm nước, giúp cách âm, cách nhiệt tốt, thích hợp với cả môi trường ẩm ướt nên sản phẩm gạch của công ty được thị trường đón nhận và trở thành vật liệu xây dựng chính của nhiều công trình Nhà nước.
Để đạt được mục tiêu của Đề án, nhiệm vụ đặt ra là từng bước phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái. Ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao sử dụng tối đa công nghệ số, công nghệ nano, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu./.
Đặng Thưởng