Bloomberg Economics cho biết chiến sự Nga và Ukraine đem lại những rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới vẫn đang trên đà phục hồi sau cú sốc đại dịch.
Ảnh hưởng nặng đến sự phục hồi của kinh tế thế giới
Cuộc xung đột được coi là cuộc chiến nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ năm 1945. Quân đội Nga đã tiến hành các cuộc không kích, đánh chiếm các căn cứ quân sự và tiến về phía Kiev khi người dân tháo chạy khỏi thành phố. Các quan chức phương Tây cho biết thủ đô có thể thất thủ bất cứ lúc nào khi hệ thống phòng không bị phá hủy.
Cuộc chiến xảy ra sau nhiều tuần căng thẳng gây chấn động nền kinh tế thế giới với việc tăng giá năng lượng. Ngày 24/2, giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong thời gian ngắn kể từ năm 2014, trong khi đó giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng tới 62%.
Trong khi Ukraine đang cố gắng chiến đấu để tồn tại, các chính phủ phương Tây tiến hành các bước để trừng phạt Nga dù biết rằng điều này có thể làm gia tăng tác động của cuộc xung đột đối với nền kinh tế.
Các mảng radar và thiết bị hư hỏng tại căn cứ quân sự bên ngoài Mariupol, Ukraine vào ngày 24/2 (Ảnh: AP Photo/Sergei Grits).
Đại dịch đã để lại cho nền kinh tế toàn cầu hai vấn đề lớn, đó là lạm phát tăng cao và thị trường tài chính hỗn loạn. Và dư chấn từ cuộc xâm lược có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề này.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa. Các hộ gia đình phải chi tiêu nhiều hơn cho nhiên liệu, do đó số tiền dành cho các hàng hóa và dịch vụ khác giảm đáng kể. Thị trường lao dốc sẽ có thêm một lực cản khác, ảnh hưởng xấu đến sự thịnh vượng và lòng tin, khiến các công ty gặp khó khăn trong huy động vốn để đầu tư hơn.
Các ngân hàng trung ương sẽ gặp khó khăn hơn với thách thức kép - vừa kiểm soát giá cả, vừa phát triển nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có thể buộc họ phải suy nghĩ lại.
Mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào thời gian và phạm vi của nó, mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt của phương Tây và khả năng Nga có thể trả đũa. Nhiều vấn đề khác có thể xảy ra như cuộc di cư của người tị nạn Ukraine và làn sóng tấn công mạng của Nga.
3 kịch bản của kinh tế thế giới từ cuộc chiến Nga - Ukraine
Bloomberg Economics đưa ra 3 kịch bản mà xung đột Nga - Ukraine có thể tác động đến tăng trưởng, lạm phát và chính sách tiền tệ. Các cuộc chiến vốn dĩ không thể đoán trước, và kết quả thực tế có thể sẽ xấu hơn dự đoán. Tuy nhiên, các kịch bản sẽ giúp định hình suy nghĩ về những khả năng có thể xảy ra.
Các hộ gia đình châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để sưởi ấm (Ảnh: Bloomberg).
Kịch bản 1: Nguồn cung dầu và khí đốt đầy đủ
Theo kịch bản lạc quan, nếu xung đột kết thúc nhanh, điều này sẽ giúp ngăn chặn một vòng xoáy tăng giá nữa trên thị trường hàng hóa, giữ cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ và châu Âu đi đúng hướng. Theo đó, nguồn cung dầu và khí đốt không bị gián đoạn, với giá cả ổn định ở mức hiện tại. Các điều kiện tài chính thắt chặt nhưng không có sự sụt giảm liên tục trên thị trường toàn cầu.
Sự lạc quan đó có căn cứ ở các thị trường dầu mỏ sau khi Mỹ và các đồng minh công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
"Các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi áp dụng vượt quá bất kỳ điều gì đã từng được thực hiện", ông Biden cho biết. Chúng bao gồm các hình phạt đối với 5 ngân hàng, trong đó có Sberbank - ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, với tổng tài sản là 1.000 tỷ USD. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ hạn chế quyền tiếp cận của Nga với các sản phẩm công nghệ cao và các biện pháp trừng phạt cá nhân nhắm vào giới tài phiệt của đất nước này.
Giá năng lượng là kênh chính mà cuộc chiến Ukraine có tác động ngay lập tức. Rủi ro đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu, vì Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt chính cho khu vực này.
Chi phí năng lượng tăng cao chiếm hơn một nửa tỷ lệ lạm phát kỷ lục của khu vực đồng euro vào tháng 1/2021. Hợp đồng khí đốt tự nhiên châu Âu tương lai đạt đỉnh trên 140 EUR/MWh sau khi tăng 62%.
Cùng với hiệu ứng dầu mỏ, điều này có thể khiến lạm phát khu vực đồng euro chạm mức 3% vào cuối năm. Cũng có thể có những tác động lan tỏa khác từ cuộc suy thoái do lệnh trừng phạt gây ra ở Nga. Nhưng khu vực này có khả năng sẽ thoát khỏi suy thoái và việc tăng lãi suất của ECB vào tháng 12 sẽ vẫn còn hiệu lực.
Ở Mỹ, xăng đắt hơn và thắt chặt tài chính vừa phải sẽ kéo theo tăng trưởng. Nước này có thể vận chuyển nhiều khí đốt tự nhiên hơn sang châu Âu, làm tăng giá trong nước. Tiêu đề lạm phát CPI có thể vượt 8% trong tháng 2 và gần 5 % vào cuối năm, so với mức đồng thuận 3,3%.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được coi là cuộc chiến nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 (Ảnh: Getty Images).
Kịch bản 2: Nguồn cung năng lượng bị gián đoạn
Kịch bản thứ hai, nếu xung đột kéo dài, phương Tây có phản ứng cứng rắn hơn và có sự gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga, điều này sẽ gây ra một cú sốc năng lượng lớn hơn và một đòn giáng mạnh vào thị trường toàn cầu. Điều đó có thể khiến ECB tăng lãi suất, Fed cũng sẽ chậm lại việc thắt chặt lãi suất.
Hiện một số chủ tàu chở dầu đang tránh tiếp nhận dầu thô của Nga cho đến khi họ nhìn thấy biện pháp trừng phạt rõ ràng hơn. Các đường ống dẫn khí đốt chính chạy qua Ukraine và có thể bị va chạm trong cuộc giao tranh. Ngay cả sự gián đoạn nguồn cung hạn chế cũng có thể làm trầm trọng thêm cú sốc đối với giá năng lượng.
Giá khí đốt duy trì quay trở lại mức 180 EUR/MWh - mức đạt được vào tháng 12/2021 - và giá dầu ở mức 120 USD/thùng có thể khiến lạm phát khu vực đồng euro gần 4% vào cuối năm, làm gia tăng sự siết chặt thu nhập thực tế.
Ở Mỹ, kịch bản này có thể đẩy lạm phát mạnh lên 9% vào tháng 3 và giữ ở mức gần 6% vào cuối năm. Đồng thời, bất ổn tài chính tiếp tục và nền kinh tế yếu hơn, một phần do suy thoái châu Âu.
Kịch bản 3: Nguồn cung khí đốt bị cắt
Kịch bản xấu nhất là nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu sẽ bị cắt. Nếu Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tối đa từ Mỹ và châu Âu - như bị cắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift - Nga có thể trả đũa bằng cách cắt dòng khí đốt đến châu Âu.
ECB lo ngại cú sốc phân bổ khí đốt 10% có thể làm giảm 0,7% GDP của khu vực đồng euro. Nếu quy mô con số đó lên tới 40% - thị phần khí đốt của châu Âu đến từ Nga - có nghĩa là kinh tế sẽ bị ảnh hưởng 3%. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều do sự hỗn loạn của một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể nổ ra.
Đối với Mỹ, cú sốc tăng trưởng cũng sẽ khá lớn. Và có thể có những hậu quả không mong muốn từ các biện pháp trừng phạt tối đa làm gián đoạn hệ thống tài chính toàn cầu, với tác động lan tỏa đối với các ngân hàng Mỹ, trọng tâm của Fed sẽ chuyển sang duy trì tăng trưởng. Nhưng nếu giá cao hơn dẫn đến kỳ vọng lạm phát tăng cao giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp thì điều đó sẽ làm nảy sinh tình huống xấu nhất đối với chính sách tiền tệ: Cần phải thắt chặt mạnh mẽ ngay cả trong một nền kinh tế yếu kém.
Các kịch bản trên đều hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù cuộc chiến ảnh hưởng chủ yếu đến các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng các quốc gia khác đều sẽ cảm thấy tác động khi giá hàng hóa tăng đột biến, bao gồm lương thực và năng lượng.
Một số nước như Ả Rập Xê Út và các nước xuất khẩu dầu vùng Vịnh khác có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến. Nhưng đối với hầu hết các thị trường mới nổi vốn đã phục hồi chậm hơn thì sự kết hợp giữa giá cao và dòng vốn ra có thể giáng một đòn lớn, làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng hoảng nợ hậu Covid. Thổ Nhĩ Kỳ, một nhà nhập khẩu năng lượng lớn vốn đã có đồng tiền lao dốc và lạm phát tăng vọt trước cuộc khủng hoảng Ukraine, là một ví dụ điển hình.
Khủng hoảng Nga - Ukraine còn có thể gây ra nhiều rủi ro khó xác định khác như các cuộc tấn công mạng của Nga.
Tuy nhiên, một điều có thể nhìn thấy rõ ràng là trong số các nền kinh tế lớn, Nga sẽ là nước chịu đòn lớn nhất và cái giá phải trả cho quyết định của ông Putin rất có thể sẽ làm kinh tế trong nước thu hẹp lại.
Theo Xuân Vũ – CTV/dantri.com.vn/ www.bloomberg.com
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chien-su-cang-thang-o-ukraine-va-3-kich-ban-cua-nen-kinh-te-the-gioi-20220227074037398.htm