Cập nhật: 28/02/2022 09:17:00
Xem cỡ chữ

Cụ thể hóa Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế.

Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh chóng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy động lực tăng trưởng, nhiều mặt hàng, dịch vụ đang được áp dụng mức thuế suất, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% giảm còn 8%. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% được giảm 2%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... Đánh giá tổng quan về chính sách này, việc giảm thuế VAT sẽ đem lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi thuế VAT đầu vào giảm, doanh nghiệp giảm bớt áp lực về chi phí, hạn chế việc tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ, giúp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển SXKD, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đối với người tiêu dùng, vốn là đối tượng phải “gánh” thuế VAT trực tiếp và cũng đang bị tác động về việc làm, thu nhập do dịch bệnh, nay giảm thêm khoản chi phí tiêu dùng 2%. Đại diện Siêu thị Go! Vĩnh Phúc cho biết: "Việc điều chỉnh thuế VAT 8% được siêu thị áp dụng ngay khi Nghị định 15 có hiệu lực với hàng nghìn sản phẩm như: thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh, kẹo, hàng gia dụng và thời trang"./.

Thùy Linh