Cập nhật: 28/02/2022 10:43:00
Xem cỡ chữ

Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, kết thúc tuần giao dịch 21-27/2, thị trường hàng hóa thế giới có sự biến động rất mạnh trước những diễn biến bất ngờ từ căng thẳng địa chính trị tại khu vực Biển Đen. Sắc xanh phủ kín cả 4 nhóm hàng hóa, giúp chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng 1,2% lên mức 2.642,45 điểm.     

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Căng thẳng ở biển Đen khiến giá hàng hóa biến động bất thường -0

Sự sôi động từ thị trường hàng hóa thế giới cũng ảnh hưởng rất tích cực đến giới đầu tư trong nước khi giá trị giao dịch toàn Sở phiên thứ năm đã đánh dấu mức kỷ lục 10.000 tỷ đồng. Tổng giá trị trong tuần qua tiếp tục tăng hơn 10% so với tuần trước đó lên mức 33.000 tỷ đồng.

Căng thẳng ở biển Đen khiến giá hàng hóa biến động bất thường -0

Giá dầu thô chịu nhiều áp lực

Giá dầu tăng trở lại sau khi giằng co mạnh với các thông tin đến từ Nga-Ukraine. Kết thúc tuần vừa rồi, giá dầu thô WTI tăng 1,5% lên 91,59 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng gần 3% lên 94,12 USD/thùng.

Căng thẳng ở biển Đen khiến giá hàng hóa biến động bất thường -0

Trong tuần, giá dầu chủ yếu chịu tác động từ các thông tin đến từ tình hình xung đột tại Ukraine. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, đã khiến cho giá dầu WTI trong tuần trước vượt mức 100 USD/thùng.

Tuy vậy, trước việc Ukraine và Nga đồng ý nối lại các đối thoại, cùng với báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần trước tăng mạnh 4,5 triệu thùng, kết hợp với khả năng Mỹ tiếp tục mở kho dự trữ chiến lược dầu, đã khiến cho giá chịu áp lực trở lại.

Giá khí tự nhiên Henry Hub tăng 2,12% lên 4,47 USD/MMBTu khi các nước gia tăng thu mua khí tự nhiên từ Mỹ đề phòng trường hợp các căng thẳng với Nga leo thang.

Nông sản

Tương tự như với dầu thô, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago đều biến động rất mạnh và bất thường. Trong đó, đậu tương ghi nhận biên độ rộng lên tới 175 cents.

Cũng như các mặt hàng khác trong nhóm nông sản, giá đậu tương cũng chạy theo diễn biến của tình hình Nga-Ukraine. Điều này đã khiến cho giá có thời điểm đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, khi hỗ trợ từ yếu tố này suy giảm cùng với áp lực bán chốt lời và triển vọng nguồn cung tích cực hơn đã khiến cho giá quay đầu và nhanh chóng mất đi hoàn toàn mức tăng trong nửa đầu tuần.

Căng thẳng ở biển Đen khiến giá hàng hóa biến động bất thường -0

Giá ngô chỉ tăng nhẹ dù được hỗ trợ bởi diễn biến của lúa mì. Giá lúa mì đã tăng kịch trần sau khi tổng thống Nga V.Putin ra lệnh tấn công một số mục tiêu tại Ukraine, nhưng giảm kịch sàn ngay phiên sau đó khi thị trường kỳ vọng vào việc chiến tranh có thể sớm kết thúc. Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, lo ngại về nguồn cung vẫn giúp cho giá lúa mì tăng mạnh hơn 6% trong tuần vừa rồi.

Thị trường cà-phê giảm hai tuần liên tiếp

Giá cà-phê Arabica giảm 3% về 238,7 cents/pound, giá Robusta lao dốc 3,4% về 2.178 USD/tấn. Cả hai mặt hàng cà-phê đều chịu sức ép bán mạnh do ảnh hưởng của các yếu tố liên thị trường thay vì các yếu tố cung cầu. Mức tồn kho trên Sở ICE US giảm về dưới 1 triệu bao trong tuần vừa qua, cho thấy áp lực nguồn cung ngắn hạn ngày một gia tăng, nhưng cũng không đủ để hỗ trợ cho giá.

Căng thẳng ở biển Đen khiến giá hàng hóa biến động bất thường -0

Giá bông giảm tuần thứ ba liên tiếp với mức đóng cửa thấp hơn 2,1% về 118,6 cents/pound. Nhu cầu tiêu thụ của bông bị ảnh hưởng trong bối cảnh đồng USD tăng giá và gây áp lực lên xuất khẩu. Báo cáo Export sales cho thấy doanh số bán hàng của tuần mới nhất dù tăng nhưng vẫn thấp hơn 7% so với mức 4 tuần gần nhất.

Trong một diễn biến khác, thị trường đường đóng cửa tuần với sự phân hóa giữa hai mặt hàng. Giá đường thô giảm nhẹ 0,1% về 17,6 cents/pound, trong khi giá đường trắng tăng gần 1,6% lên 492 USD/tấn. Giá đường cũng chịu sức ép do dòng vốn thoát ra khỏi các thị trường đầu tư mạo hiểm, trong đó có thị trường hàng hóa, tuy nhiên, giá nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn so với các mặt hàng kim loại công nghiệp kể trên nhờ vào sự tăng trưởng của thị trường dầu thô.

Thị trường kim loại phân hóa rõ rệt

Giá bạc đóng cửa gần như không đổi so với giá tham chiếu của tuần trước đó, vẫn duy trì ở mức 23,99 USD/pound. Trái lại, giá bạch kim giảm 2,5% còn 1.050 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý đều có một tuần giao dịch đáng nhớ khi mà giá biến động mạnh qua hầu hết các phiên.

Giá của cả bạc và bạch kim đều tăng mạnh vào ba phiên đầu tuần nhưng sau đó hạ nhiệt. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang khiến cho dòng vốn từ các thị trường đầu tư ngắn hạn dịch chuyển sang các thị trường trú ẩn an toàn. Tuy nhiên tâm lý bất ổn vẫn hiện hữu khiến số vị thế bán mở áp đảo vị thế mua trong hai phiên cuối tuần.

Căng thẳng ở biển Đen khiến giá hàng hóa biến động bất thường -0

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm 1,1% về 4,47 USD/pound. Cuộc khủng hoảng thanh khoản của các công ty bất động sản Trung Quốc cũng là một sức ép lớn, kìm hãm sức mua trên thị trường đồng.

Giá quặng sắt tăng 2,3% lên 136,2 USD/tấn. Mức tăng này khá khiêm tốn với thị trường quặng sắt, và có thể coi như một tuần phục hồi nhẹ, thay vì đà tăng được kéo dài, bởi giá quặng sắt giằng co mạnh và khó thể vượt qua mức 140 USD. Các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng trong việc rót thêm vốn vào thị trường quặng sắt, bởi các chính sách kiểm soát giá nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể “dễ dàng thổi bay” mọi sự tích lũy.

Căng thẳng ở biển Đen khiến giá hàng hóa biến động bất thường -0

Theo THƯƠNG MAI/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc/cang-thang-o-bien-den-khien-gia-hang-hoa-bien-dong-bat-thuong-687318/