Cha mẹ cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để cấp cứu nếu trẻ có biểu hiện thở nhanh, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, khó thở, cánh mũi phập phồng, tím tái môi đầu chi, rút lõm lồng ngực…
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trường hợp trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể theo dõi tại nhà. Trường hợp nhẹ có thể cân nhắc điều trị tại cơ sở y tế nếu có yếu tố nguy cơ.
Hầu hết trẻ mắc Covid-19 có thể tự hồi phục sau 1-2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách (Ảnh minh họa: News medical).
Cụ thể:
- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.
- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.
- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.
- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).
- Theo dõi:
+ Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt
+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
Cha mẹ cần theo dõi và báo nhân viên y tế khi có các triệu chứng bất thường.
Các triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế: sốt > 38 độ C, tức ngực, đau rát họng, ho, cảm giác khó thở, tiêu chảy, SpO2 < 96%, trẻ mệt, không chịu chơi, ăn/bú kém.
Dấu hiệu bệnh chuyển nặng, cha mẹ cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Thở nhanh, trẻ < 2 tháng: ≥ 60 lần/phút; 2-11 tháng: ≥ 50 lần/phút; 1-5 tuổi: ≥ 40 lần/phút, 5-12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, ≥ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút).
- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống.
- Khó thở, cánh mũi phập phồng.
- Tím tái môi đầu chi.
- Rút lõm lồng ngực.
- SpO2 < 95%.
Yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng
- Trẻ đẻ non, cân nặng thấp.
- Béo phì, thừa cân.
- Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa.
- Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản.
- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...).
- Bệnh thận mạn tính.
- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.
- Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp)
- Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần)
- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác
- Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải
- Bệnh gan
- Đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
- Các bệnh hệ thống.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi phát hiện trẻ nghi hoặc đã mắc Covid-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con. Nếu trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết, nguy cơ lây nhiễm virus, bệnh khác từ bệnh viện.
Hầu hết trẻ có thể tự hồi phục sau 1-2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Khi con có bất cứ biểu hiện bất thường nào ngoài triệu chứng thông thường, cha mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Theo Nam Phương/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-trieu-chung-bat-thuong-o-tre-mac-covid19-cha-me-can-biet-20220227155233011.htm