Rừng dừa nước Cà Ninh phát triển tươi tốt, tạo thành lá chắn phòng hộ ven sông, hạn chế nước mặn xâm nhập, bảo vệ đồng ruộng, nguồn lợi khai thác từ lá dừa giúp người dân có thêm thu nhập.
Rừng dừa nước tại xã Bình Phước. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
Tỉnh Quảng Ngãi có hai rừng dừa nước nổi tiếng là Cà Ninh (tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn) và Tịnh Khê (xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi).
Rừng dừa nước không chỉ giúp điều hòa không khí, duy trì nguồn lợi thủy sản mà còn là điểm du lịch sông nước hữu tình.
Chính quyền và người dân tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực bảo vệ, chăm sóc, phát triển để rừng dừa nước phát triển ổn định.
Rừng dừa nước Cà Ninh có diện tích hơn 100ha. Hiện rừng dừa nước Cà Ninh phát triển tươi tốt, tạo thành lá chắn phòng hộ ven sông, hạn chế nước mặn xâm nhập, bảo vệ đồng ruộng. Bên cạnh đó, nguồn lợi khai thác từ lá dừa giúp người dân có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Ngọc Tích cho biết gia đình ông có hơn 20ha dừa nước. Mỗi năm, gia đình ông cắt lá dừa 2 lần để bán, mỗi lần được khoảng 15 triệu đồng.
“Không chỉ bán lá dừa, gia đình còn thu lợi từ việc đánh bắt tôm, cá tại các luồng lạch. Cây dừa nước đã gắn liền với cuộc sống người dân bao đời nay nên gia đình luôn gìn giữ, bảo vệ rừng dừa,” ông Tích chia sẻ.
Rừng dừa nước Tịnh Khê. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
Đến rừng Cà Ninh, du khách được thưởng ngoạn bữa tiệc thị giác do thiên nhiên ban tặng và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị của người dân địa phương.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, du khách tham quan rừng dừa nước Cà Ninh, rất thích thú khi được ngồi thuyền đi dọc các luồng lạch, được xem người dân buông câu, giăng lưới đánh bắt tôm, cá và thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Phước, nhấn mạnh rừng dừa nước đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. Do đó, xã đã tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ rừng dừa nước, bảo vệ môi trường. Xã kêu gọi đầu tư phát triển du lịch cộng đồng từ rừng dừa nước nhằm tạo thêm thu nhập bền vững cho nhân dân địa phương.
Rừng dừa nước Tịnh Khê, xã Tịnh Khê, nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc có diện tích hơn 9 ha, được người dân nơi đây ví von là “lá phổi xanh” của khu đông thành phố Quảng Ngãi, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Rừng dừa nước là nơi mưu sinh của người dân, từ nghề đan lá dừa, bán trái dừa, chèo ghe cho khách tham quan...
“Rừng dừa nước gắn liền với tuổi thơ mò cua, bắt ốc của tôi. Lớn lên, tôi theo cha mẹ cắt lá dừa, đan lá dừa. Dù nguồn thu từ cây dừa nước không nhiều nhưng mình vừa làm vừa giữ rừng dừa do cha ông để lại,” bà Nguyễn Thị Tía, xã Tịnh Khê cho biết.
Ngoài nghề đan phên dừa, người dân còn có thêm thu nhập đáng kể từ nghề thả lưới trên sông nhờ nguồn lợi từ tôm, cua, cá, ốc dưới dòng sông Kinh. Nơi đây có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nên thời gian gần đây thu hút được nhiều bạn trẻ đến tham quan.
Theo ông Võ Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Khê, mục tiêu của xã là phát triển du lịch sinh thái rừng dừa nước để tạo sinh kế cho người dân. Vì vậy, địa phương mong muốn huyện sẽ hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư.
Để rừng dừa nước trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cần phải bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng.
“Việc quy hoạch, phát triển du lịch sinh thái tại khu vực rừng dừa nước được người dân rất đồng tình. Vì đây không chỉ là cơ hội phát triển du lịch mà bà con có thêm việc làm từ các dịch vụ nhằm cải thiện cuộc sống. Do đó, chúng tôi kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, các công ty du lịch để phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực này," bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho hay./.
Theo Đinh Hương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/rung-dua-nuoc-quang-ngai-diem-du-lich-sinh-thai-hap-dan/777733.vnp