Trong nghiên cứu "COVID-19 và Nhận thức," đã ghi nhận những đặc điểm cơ bản và kết quả đánh giá nhận thức của 181 bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài và 185 người chưa mắc COVID-19.
Ảnh minh họa (Nguồn: TechForge)
Theo một nghiên cứu tiến hành trực tuyến của các nhà khoa học Anh, khoảng 70% trong số 181 người trưởng thành khỏi bệnh COVID-19 cho biết họ gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung vài tháng sau khi mắc bệnh, 75% số người được hỏi ghi nhận các triệu chứng dai dẳng nghiêm trọng đến nỗi họ không thể làm việc và 50% cho rằng các bác sĩ không coi trọng các triệu chứng này của họ.
Trong nghiên cứu "COVID-19 và Nhận thức," một nhóm chuyên gia do các nhà nghiên cứu Đại học Cambridge dẫn đầu, đã ghi nhận những đặc điểm cơ bản và kết quả đánh giá nhận thức của 181 bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài và 185 người chưa mắc COVID-19.
Những người tham gia nghiên cứu đến từ Anh, Ireland, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Nam Phi, trong đó 70% là bệnh nhân Anh. Hầu hết những người khỏi COVID-19 đã mắc bệnh ít nhất là 6 tháng trước đó và chỉ có ít người bị nặng đến nỗi phải nhập viện.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021 đối với các bệnh nhân mắc bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021 - khi biến thể Delta và Omicron chưa phổ biến ở các nước có người tham gia nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng mức độ nghiêm trọng của bệnh là chỉ số quan trọng báo trước mắc hội chứng COVID kéo dài cũng như mức độ nghiêm trọng của hội chứng này. 6 triệu chứng ban đầu có liên quan tới sự phát triển của hội chứng này gồm yếu tay chân, sương mù não, đau ngực hoặc đau thắt ngực, chóng mặt, ho và gặp vấn đề về hô hấp.
Những người mắc COVID-19 có cảm giác mệt nặng và có các triệu chứng liên quan tới thần kinh như chóng mặt và đau đầu trong thời gian mắc bệnh có nguy cơ mắc các hội chứng COVID kéo dài nghiêm trọng.
Trong số 126 người tham gia nghiên cứu mắc hội chứng COVID kéo dài, có tới 77,8% gặp vấn đề về khả năng tập trung, 69% bị sương mù não, 67,5% mắc chứng quên, 59,5% gặp vấn đề về từ và hiện tượng đầu lưỡi (tức là lời nói đến cửa miệng rồi mà vẫn không nhớ nổi), 43,7% gặp khó khăn về nói và viết từ chính xác.
Những người tham gia nghiên cứu mắc COVID-19 lâu hơn có nhiều nguy cơ gặp vấn đề về rối loạn nhận thức trong suốt quá trình mắc bệnh và sau khi khỏi bệnh.
Ở những người có các triệu chứng đang diễn ra, 54,6% trải qua một giai đoạn dài mà họ không thể tập trung làm việc trong khi 34,5% bị mất việc do bệnh, 63,9% gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, 49,6% gặp khó khăn trong việc diễn đạt để bác sỹ coi trọng các triệu chứng của họ, 43,7% cảm thấy bị tổn thương và 17,6% gặp vấn đề về tài chính do COVID-19.
Trong số 109 người tham gia đã đi điều trị các triệu chứng, chẩn đoán phổ biến nhất là tình trạng thiếu oxy trong mô (14,7%), cục máu đông (5,5%), chứng viêm (4,6%). Số tuần kể từ khi mắc bệnh có liên quan tới mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng liên quan tới tim, phổi và mệt mỏi.
Theo nhận định của các tác giả nghiên cứu, phản ứng miễn dịch bất thường hoặc quá mạnh có thể dẫn tới tình trạng sưng tấy kéo dài và hội chứng COVID kéo dài. Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả nghiên cứu trên chứng tỏ các triệu chứng về nhận thức liên quan tới COVID kéo dài cần được xem xét cẩn trọng.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sỹ Muzaffer Kaser của Đại học Cambridge, nói: "Đây là bằng chứng quan trọng vì khi một người nói họ đang gặp khó khăn về nhận thức hậu COVID-19, thì điều này không nhất thiết là do họ quá lo lắng hay trầm cảm."
Trong khi đó, đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sỹ Lucy Cheke cho rằng các nhà hoạch định chính sách và giới y khoa ít chú ý tới hội chứng COVID kéo dài trong khi tác động của hội chứng này đối với lực lượng lao động có thể rất lớn.
Nghiên cứu được công bố trên ẩn phẩm Frontiers in Aging Neuroscience số ra ngày 18/3./.
Theo Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-sau-ve-hien-tuong-suy-giam-tri-nho-o-nguoi-mac-covid19/778977.vnp