Cập nhật: 19/03/2022 14:00:00
Xem cỡ chữ

Dưới tác động của xung đột Nga - Ukraine, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay đang ở thế "dò dẫm" và không thể lên được kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình sang thị trường nước Nga.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, cuộc xung đột này sẽ có những tác động trong trung hạn và dài hạn đến các hoạt động kinh tế nói chung cũng như doanh nghiệp xuất khẩu.Tuy nhiên nếu biết nắm bắt, đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt biến “nguy” thành “cơ”.

Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nga, tác động của xung đột Nga - Ukraine đã và đang gây ra tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của họ khi nhiều đơn hàng hiện nay bị ách tắc. Cùng với đó, một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, trước mắt đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga.

Để ứng phó với khủng hoảng các doanh nghiệp cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung.

Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm nêu thực tế, đơn vị có khoảng 4 triệu USD giá trị hàng hóa đã xuất nhưng chưa được thanh toán, về vận tải, lô hàng đã đến Hà Lan cũng bị tắc ở kho, chưa thể chuyển sang Nga. Cùng với đó, ngoài các đơn hàng đã xuất đi, hiện còn những đơn hàng đã mua nguyên phụ liệu với khoảng 40 container, trị giá gần 5 triệu USD. Vấn đề này cũng phải đàm phán lại giữa hai bên.

“Hiện tại chỉ có một số ngân hàng lớn của Nga và Ngân hàng Trung ương Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế nhưng khi leo thang lên thì chắc chắn có thể loại tiếp một loạt các ngân hàng khác nữa. Khi đó toàn bộ dòng chảy gần như chững lại, và việc đấy nó ảnh hưởng hai chiều đến cả Việt Nam và Nga… Chính vì tính bất định đấy dẫn đến doanh nghiệp hiện tại cả hai bên đang ở trạng thái dò dẫm và không thể nào lên được kế hoạch cho doanh nghiệp” - Nguyễn Duy Ninh nói.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ứng phó với khủng hoảng các doanh nghiệp cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, bởi việc chỉ tập trung vào một vài nơi đã cho thấy rõ những rủi ro thời gian qua. Cùng với đó, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán để tránh tác động và rủi ro. Đồng thời, cần chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh. Các doanh nghiệp phải rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Ông Đào Huy Giám, nguyên Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết, trước mắt vẫn chưa thể dự đoán thời gian cũng như mức độ của cuộc xung đột đến đâu. Do đó kinh tế vĩ mô của tất cả các quốc gia sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng, vật giá, dịch vụ, dịch vụ tài chính… vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng sâu rộng và thậm chí có thể không phải trong ngắn hạn mà là dài hạn. Tuy nhiên, ông Đào Huy Giám nhấn mạnh: trong bối cảnh này, nếu doanh nghiệp biết chớp lấy thời cơ thì vẫn có cơ hội để phát triển.

Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam nên cơ cấu lại và nâng cấp hệ thống logistics.

“Ví dụ trong những năm 1970 chúng tôi thực hiện và thực hiện phương pháp là hàng đổi hàng, thực hiện trong khuôn khổ đối với các nước Đông Âu; loại hình đó có thể xuất hiện và cũng có thể có những doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn của chúng ta có thể chớp được và vẫn có cơ hội để phát triển. Trong cái rủi có những điểm mà chúng ta đều biết nắm bắt với biến động như thế này thì các doanh nghiệp nên tăng cường năng lực quản trị rủi ro liên quan đến giá cả, rủi ro về tài chính làm chủ được đến đâu thì hiệu quả kinh doanh tăng lên bấy nhiêu, và cũng không bị phụ thuộc vào người khác quản lý cho mình” - ông Đào Huy Giám nói.

Còn theo ông Bùi Ngọc Sơn, Nguyên trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, trong bối cảnh tác động từ xung đột Nga- Ukraine, các doanh nghiệp nên xác định rõ và chắc chắn thì mới tiến hành các dự án của mình. Nếu cảm thấy rủi ro phải thận trọng và khi triển khai có những phương án dự phòng. Bản thân doanh nghiệp nên có những kịch bản về quản trị rủi ro tài chính, đặc biệt phải mua bảo hiểm; dự phòng cho các kế hoạch sản xuất bởi lượng hàng tồn kho sẽ tăng lên, các đơn hàng có kế hoạch kéo dài thời gian hơn.

Tuy vậy, theo ông Sơn, cần nhìn rủi ro này là cơ hội để đa dạng hóa thị trường, tính lại cấu trúc giá sản phẩm. Đây cũng là thời điểm tốt để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được uy tín của mình khi bước ra thị trường thế giới.

“Các nước trên thế giới có thể tìm đến Việt Nam nhiều hơn do tính ổn định. Nhân lúc này doanh nghiệp đừng hướng tới những lợi ích ngắn hạn, mà cần phải tận dụng lúc này phải làm thật tốt. Bởi đây sẽ là thời gian quảng cáo không mất tiền, để lại danh tiếng về lâu dài về sau cho doanh nghiệp Việt. Khi đó, sau này thời cuộc qua đi, chúng ta mới có thể có được vườn rộng ra thế giới hơn nữa” - ông Bùi Ngọc Sơn nêu ý kiến.

Trong bối cảnh hiện nay, cũng có những ý kiến cho rằng, trong trung và dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam nên cơ cấu lại và nâng cấp hệ thống logistics, song song với đẩy nhanh và quyết liệt hơn, thực chất hơn cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, cần tăng tính tự lực tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường có biến động; chủ động phân tích dự báo để tránh bị động, bất ngờ. Đây cũng là cách mà nhiều nền kinh tế "nhỏ mà không nhỏ" đã làm để nâng cao sức cạnh tranh khi bước ra thị trường thế giới./.

Theo Nguyễn Hằng/VOV1  

 https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-can-vuot-qua-thach-thuc-tu-su-bat-on-cua-thi-truong-nga-ukraine-post931491.vov