Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2022, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 849 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu nhóm hàng trái cây sụt giảm mạnh, nhất là xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, sản lượng trái cây xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... lại chưa nhiều và thiếu ổn định.
Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh DANH LAM)
Nhằm chặn đà sụt giảm xuất khẩu của ngành hàng này, sáng 1/4, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) và các đơn vị tổ chức hội nghị “Xử lý các vấn đề vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”. Tại hội nghị, ông Vương Trường Giang - Trưởng phòng An toàn thực phẩm và môi trường (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: Hiện, yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Trung Quốc theo Lệnh 248 và 249 rất cao, doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tương đương với HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn). Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại quả khô thì khó đáp ứng ngay lập tức yêu cầu này.
Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc rất nhiều và đầy đủ nhưng chủ yếu bằng tiếng Trung cũng khiến cho doanh nghiệp Việt bị hạn chế trong tiếp cận. Về vấn đề này, ông Vương Trường Giang thông tin: Tới đây các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP, tiến tới được chứng nhận HACCP; cung cấp đầy đủ thông tin bằng tiếng Việt về nhóm thực phẩm, mô tả hàng hóa, các thông tin về an toàn thực phẩm của Trung Quốc; rà soát các loại cây trồng có khối lượng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc mà chưa có thông tin về dịch hại để làm việc với cơ quan kiểm dịch Trung Quốc.
Bên cạnh đó, điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 trên hàng hóa, thực phẩm mà Trung Quốc đưa ra cũng rất khắt khe. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, phía Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến bố trí thực hành sản xuất, thực hành và giám sát thực hành vệ sinh trong quá trình sản xuất; các biện pháp kiểm soát trong phòng, chống Covid-19 của các cơ sở cung cấp nguyên liệu/bán thành phẩm, như: bố trí ăn trưa cho công nhân trong khuôn viên nhà máy, biện pháp cách ly đối với công nhân bị nhiễm/nghi nhiễm Covid-19; kiểm tra quy trình triệu hồi lô hàng bị cảnh báo phát hiện SARS-CoV-2; quy trình, thao tác khử khuẩn bao bì, bán thành phẩm, xe vận chuyển...
Đóng gói xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre). (Ảnh MINH ANH)
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp của tất cả các quốc gia có hàng nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải tuân thủ các quy định này. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng khuyến cáo doanh nghiệp tập trung kiểm soát người, phương tiện, vật tư ra vào nhà máy. Trong quá trình sản xuất, bao gói, bốc xếp thành phẩm ra/vào kho, lên/xuống container phải yêu cầu người tham gia mang khẩu trang 100% thời gian làm việc, thường xuyên khử trùng tay và định kỳ được xét nghiệm sàng lọc; tuân thủ các biện pháp vệ sinh, làm sạch và khử trùng đối với bao bì sản phẩm trước, trong và sau khi sử dụng; chủ động lấy mẫu bao bì để xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2.
Trước đó, ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Mỹ năm 2022”. Tại hội nghị, Tham tán công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hoàng Thị Thanh Nga đánh giá, việc đưa vải thiều sang Mỹ không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho nông dân Việt Nam mà còn giúp người tiêu dùng Mỹ được thưởng thức sản phẩm đặc biệt này. Để rộng đường xuất khẩu, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa về thông tin cũng như kết nối, quảng bá tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của Bắc Giang đến các đối tác, địa phương tại Mỹ.
Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Để đưa vải thiều sang thị trường Mỹ, chính quyền tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp và người dân cần chạy đua với thời gian bởi từ nay đến vụ thu hoạch không còn dài. Ông Hà Kim Ngọc gợi ý: Vào tháng 5 tới, UBND tỉnh Bắc Giang cần phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức lễ hội vải thiều tại Mỹ. Qua đó tạo dấu ấn, sự lan tỏa về hình ảnh, hương vị cũng như thương hiệu vải thiều Bắc Giang đến người dân Mỹ và cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Về phía Việt Nam, để hỗ trợ Bắc Giang xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, đại diện Vietnam Airlines cho biết: Năm nay, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang, các doanh nghiệp đưa quả vải thiều vươn ra thị trường thế giới. Hãng bảo đảm sẵn sàng 180-200 tấn tải/ngày trên các chuyến bay nội địa và dành khoảng 20% tải trên các chuyến bay quốc tế để vận chuyển vải thiều; ưu tiên tạo luồng phục vụ riêng cho mặt hàng này, rút ngắn thời gian từ khi tiếp nhận đến lúc phát hàng; giới thiệu vải thiều Bắc Giang trên các chuyến bay và sàn thương mại điện tử của Vietnam Airlines.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2022 dự kiến đạt hơn 160.000 tấn, trong đó có 18 mã vùng trồng dự kiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU với diện tích 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.
Trước đó, giữa tháng 2/2022, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô ba tấn xoài cát chu của huyện Cao Lãnh sang thị trường châu Âu. Đơn vị xuất khẩu xoài là Công ty cổ phần Cánh Cổng Vàng Việt Nam, Công ty TNHH Westerfarm (huyện Cao Lãnh). Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (thành phố Cao Lãnh) là đơn vị cung ứng xoài để xuất khẩu.
Theo Tiến Anh và Tuệ Lâm/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/chan-da-sut-giam-xuat-khau-trai-cay-691696/