Cập nhật: 08/04/2022 07:48:00
Xem cỡ chữ

Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan, qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc do virus từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt của người bệnh khi nói, ho, hắt hơi. Nếu chăm sóc không đúng khi trẻ mắc bệnh có thể gặp các biến chứng như: Sẹo trên da, viêm da, viêm tai... thậm chí là viêm màng não, viêm não…

1. Bệnh thủy đậu ở trẻ em - Căn bệnh dễ lây lan

Thủy đậu một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Herpes Zoster gây nên, lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền; tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.

Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng, dẫn đến các biến chứng nguy hại đến sức khỏe của trẻ.

Hầu hết các trường hợp bệnh thủy đậu xảy ra ở trẻ thường nhẹ, tuy nhiên đôi khi cũng có một số biến chứng nghiêm trọng. Với trẻ đã tiêm ngừa thủy đậu sẽ ít bị mắc bệnh này hơn, vì đã có kháng thể bảo vệ hoặc nếu có mắc thì bệnh cũng sẽ không quá nghiêm trọng. Đối với trẻ chưa tiêm ngừa thủy đậu sẽ dễ mắc bệnh thủy đậu và có nguy cơ bệnh nặng hơn.

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặp - Ảnh 2.

Thủy đậu một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Herpes Zoster gây nên.

2. Những sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc thủy đậu

Mặc dù là bệnh lành tính nhưng bệnh cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nếu chăm sóc không đúng cách, cũng như không đưa trẻ nhập viện kịp thời khi có các dấu hiệu bệnh nặng.

- Không tắm cho trẻ

Khi trẻ mắc thủy đậu nhiều cha mẹ cho rằng phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm rửa cho trẻ. Đây là quan niệm sai lầm bởi trẻ có thể bị biến chứng viêm da bội nhiễm, nặng hơn là nhiễm trùng huyết. Trẻ mắc thủy đậu sẽ khó chịu, ngứa da, không tắm càng khiến trẻ thêm ngứa ngáy, gãi vỡ các nốt thủy đậu, dễ nhiễm trùng nặng, bội nhiễm, gây biến chứng nguy hiểm. Việc tắm cho con rất quan trọng, cần tắm nhanh cho con bằng nước ấm.

- Kiêng ăn khi trẻ mắc thủy đậu

Với quan niệm nếu ăn các thực phẩm tanh như: Trứng, tôm, cá, thịt vịt, thịt gà… sẽ khiến trẻ ngứa và lâu khỏi, điều này là sai lầm. Nếu áp dụng chế độ ăn uống của con kiêng khem khắt khe, sẽ khiến trẻ không có sức đề kháng, bệnh sẽ lâu khỏi. Vì chính lúc này, trẻ cần được bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, C và kẽm… để nâng cao hệ miễn dịch.

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặp - Ảnh 3.

Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng.

- Tắm lá cây để nhanh khỏi thủy đậu

Khi trẻ mắc thủy đậu, nhiều cha mẹ cho rằng phải tắm lá cây mới nhanh khỏi. Tuy nhiên, da trẻ rất mỏng, nên rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng. Các loại lá nếu không được rửa sạch hoặc có thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao cho da của trẻ.

- Thủy đậu có nốt phỏng mọc càng nhiều càng tốt

Khi trẻ mắc thủy đậu, nhiều cha mẹ cho rằng nếu nốt phỏng mọc càng nhiều, càng nhanh thì bệnh sẽ khỏi nhanh. Đây là quan niệm sai lầm thường gặp. Thực tế cho thấy, khi sức đề kháng của trẻ yếu thì trẻ mới bị nổi nhiều. Bệnh này nốt phỏng nước nổi càng ít càng tốt. Cần điều trị sớm để không nổi nhiều nốt phỏng nước.

- Mắc thủy đậu cần uống kháng sinh

Nhiều cha mẹ cho rằng khi trẻ mắc thủy đậu mà quấy khóc, sốt là phải dùng kháng sinh ngay. Điều này rất sai lầm, vì bệnh thủy đậu là bệnh do virus gây ra, kháng sinh không diệt được virus, do đó không tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị cho trẻ, vừa không khỏi mà lại có tác dụng phụ và có thể làm bệnh nặng hơn, tuyệt đối không sử dụng.

- Bôi nhiều xanh methylen lên da khi mắc thủy đậu

Nhiều cha mẹ thường bôi xanh methylen lên tất cả các nốt phỏng khi trẻ mắc thủy đậu. Với quan niệm bôi hết các nốt phỏng để không có sẹo và lành da nhanh. Điều này hoàn toàn không nên, vì khi nốt phỏng chưa vỡ, bôi xanh methylen là không cần thiết. Chỉ dùng một ít xanh methylen vào các nốt đã vỡ, để làm se nốt, ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn và sát trùng.

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặp - Ảnh 4.

Khi trẻ bị thuỷ đậu cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng cách sử dụng nước ấm để tắm.

3. Các bước chăm sóc đúng khi trẻ mắc thủy đậu

Khi trẻ mắc thủy đậu cần chăm sóc đúng để trẻ nhanh khỏi và giúp hạn chế các biến chứng cũng như sẹo trên da ở trẻ. Cụ thể như sau:

- Không cho trẻ đến nơi đông người để tránh lây nhiễm các loại bệnh khác và tránh lây bệnh cho mọi người xung quanh, vì sức đề kháng của trẻ lúc này rất kém, 

- Không sờ, gãi mụn nước, làm vỡ các mụn nước, để tránh để lại sẹo và lây lan sang các vùng da xung quanh. Không nặn hoặc chọc vỡ các mụn nước. Để các mụn nước tự xẹp và bong vảy. 

- Không để cho vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hoặc nguồn nhiệt.

- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng cách sử dụng nước ấm để tắm. Không nên dùng các loại xà phòng có tính tẩy cao. Có thể sử dụng khăn sạch tẩm nước sạch để lau cơ thể. Khi vệ sinh cơ thể cần nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các mụn nước. Sau khi tắm, có thể dùng các thuốc bôi ngoài da để bôi lên mụn tránh nhiễm khuẩn.

- Cho trẻ nghỉ ngơi, mặc quần áo mát mẻ, màu sáng, chăn màn thoáng, tránh mặt vải thô, cứng, đặc biệt là đồ len để hạn chế cọ xát vào các mụn nước. Cắt móng tay ngắn cho trẻ nhỏ để tránh trẻ gãi, gây xước da.

-Uống đủ nước giúp cơ thể đỡ mệt mỏi, vì cơ thể dễ mất nước bởi sốt và phỏng nước. Không cần kiêng khem gì, vì điều này sẽ khiến trẻ thiếu đi nguồn cung cấp dinh dưỡng.

- Đảm bảo dinh dưỡng tốt, ăn đồ lỏng mát: Canh, cháo, súp, sinh tố… đặc biệt khi trẻ bị mụn nước thủy đậu trong miệng.

Tóm lại: Bệnh thủy đậu có khả năng bùng phát thành dịch. Bệnh có tính chất lành tính, thường được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cũng có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng, nhất là đối với trường hợp thủy đậu ở trẻ em. Chính vì vậy, khi trẻ mắc bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định.

Theo BS Thanh Mai/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-tre-bi-thuy-dau-dung-cach-va-nhung-sai-lam-thuong-gap-169220405211158229.htm