Cập nhật: 09/04/2022 13:31:00
Xem cỡ chữ

Trong khi giá cả tiêu dùng có nhiều biến động, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế vẫn chưa thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người lao động.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh nên điều chỉnh căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì áp mức cố định như hiện nay, không theo kịp thực tiễn cuộc sống.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều mặt hàng thiết yếu từ lương thực, thực phẩm, xăng dầu liên tục tăng giá ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân do phải thắt chặt chi tiêu. Trong khi, theo quy định từ 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng. Đối với cá nhân không cư trú, thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức: Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 20%.

Đối với cá nhân cư trú theo 2 trường hợp: Trường hợp 1: Nếu hợp đồng lao động dưới 3 tháng, mức lương chi trả lớn hơn hoặc bằng 2 triệu đồng/tháng. Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 10%. Trường hợp 2: Nếu hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại Việt Nam thì tính theo biểu lũy tiến từng phần 7 bậc.

Chị Đoàn Thanh Huyền, ở quận Cầu Giấy, TP Nội cho biết, mức chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay hơi thấp. “Hy vọng mức chịu thuế thu nhập cá nhân có thể cao hơn để mọi người đều có khả năng tích luỹ cho tương lai nhiều hơn, bởi vì hiện tại giá cả và vật giá leo thang lên cao…”, chị Huyền bày tỏ.

Hiện nay, theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% sẽ phải sửa mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhiều ý kiến dẫn chứng, từ tháng 7/2013 đến hết năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tới trên 22%, trong đó, nhiều mặt hàng thiết yếu thậm chí đã tăng gấp đôi, gấp 3. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh đã được xem là quá lỗi thời, cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam nhìn nhận, CPI chỉ là một trong các chỉ số phản ánh mức độ tiêu dùng của nền kinh tế, trong khi Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp rất tích cực để bình ổn CPI trong những năm qua cũng như các chỉ số về lạm phát ổn định, ví dụ CPI trung bình chỉ khoảng 3-4%/năm. Theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực, họ sẽ nhìn nhiều hơn đến chỉ số mức thu nhập trung bình của các nhóm đối tượng cá nhân, để có thể tính ra mức tối thiểu bắt đầu đánh thuế cho phù hợp.

“Ở nước ngoài, đặc biệt các nước đang phát triển, họ cho phép cá nhân được trừ thêm các khoản chi phí liên quan đến phúc lợi, tùy theo nhóm đối tượng mà khoản giảm trừ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể thực hiện được sẽ có nhiều trở ngại, vì hiện nay tiêu dùng tiền mặt còn quá nhiều, việc có thể chứng minh được các khoản chi tiêu có phù hợp với đối tượng, cá nhân để có thể đưa vào khoản giảm trừ…còn đang gặp khó khăn”, ông Tuấn lý giải.

Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 50 triệu người lao động đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Thời gian qua, trong khi giá cả tiêu dùng có nhiều biến động, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế vẫn chưa thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người lao động.

Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu ý kiến, Bộ Tài chính đã xây dụng và tính toán mức thuế thu nhập cá nhân dựa trên điều kiện của từng nhóm dân cư trong nền kinh tế. “Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ Bộ Tài chính cũng nên tính toán có điều tiết phù hợp cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo trong bối cảnh nào các tầng lớp dân cư cũng có đóng góp và chia sẻ khó khăn cho nền kinh tế cho đất nước để đạt mục tiêu chung trong dài hạn”, ông Nam bày tỏ quan điểm.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, mức giảm trừ gia cảnh nên điều chỉnh căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Thậm chí, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã quá lạc hậu.

“Thu nhập của người dân chưa tăng lên trong khi nguồn thu ngân sách đang bị tiết giảm, nên cần phải cân nhắc tiết kiệm ngân sách, chi tiêu dùng. Sức ép đòi hỏi phải tăng giới hạn chịu thuế ở thời điểm này chưa cần thiết, nhưng rất cần thiết phải tính đến thu thuế của các hoạt động kinh doanh có tính chất đầu cơ, ví dụ như bất động sản”, ông Được chỉ ra.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm nay, khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng hơn 20%, lên tới 50.700 tỷ đồng, hoàn thành gần 1/2 kế hoạch cả năm. Đây là khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương, người kinh doanh, cá nhân đầu tư chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản...

Theo quy định hiện hành, cá nhân không có người phụ thuộc sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng. Cá nhân có 1 người phụ thuộc sẽ phải nộp thuế nếu có tổng thu nhập trên 15,4 triệu đồng/tháng./.

Theo Phạm Hạnh/VOV1

 https://vov.vn/kinh-te/can-tinh-ky-de-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-khong-tro-thanh-ap-luc-post936025.vov