Cập nhật: 29/04/2022 14:18:00
Xem cỡ chữ

Hiện nay, các trường THPT tại TP.HCM đang tăng tốc chuẩn bị triển khai chương trình lớp 10 mới. Nhiều băn khoăn được nêu ra trong đó có việc thi cử, xét tuyển đại học sẽ phải thay đổi như thế nào cho phù hợp.

Phấn khởi vì bước sang năm học tới sẽ được lựa chọn môn học mà mình yêu thích, Võ Nguyên Như Định, học sinh Trường THCS Thái Văn Lung, quận Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ em dự định chọn tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học. 

"Ở trường cấp 2, thầy cô đã phổ biến năm sau tụi em sẽ được học chương trình mới, sách mới. Mặc dù vậy em vẫn lo lắng không biết tổ hợp được học sẽ bao gồm những môn gì vì có những môn em không giỏi".

Nguyễn Hải Nguyên, học sinh lớp 9 ở TP. Thủ Đức lại chưa chắc chắn về môn học mà mình sẽ lựa chọn. Em băn khoăn nếu mình đưa ra sự lựa chọn không phù hợp  ở lớp 10 thì sang lớp 11, em có được chọn lại tổ hợp khác hay không? Điều kiện được chuyển sang tổ hợp khác sẽ như thế nào?  

“Tụi em đang ở lứa tuổi định hướng nghề nghiệp. Mỗi năm có thể sở thích sẽ có sự thay đổi. Ví dụ hôm nay mình thích nghề đó nhưng hôm sau mình cảm thấy nghề đó không phù hợp mình buộc chọn nghề khác mà chọn nghề khác bắt buộc phải theo khối môn học khác”.

Nhiều học sinh băn khoăn, liệu có được chọn lại tổ hợp trong chương trình GDPT mới.

Nhiều học sinh băn khoăn, liệu có được chọn lại tổ hợp trong chương trình GDPT mới.

Hơn 2 năm đại dịch khiến việc tập huấn giáo viên gặp trở ngại đang khiến các giáo viên trong đó có cô Đỗ Vân Anh, giáo viên môn Lịch Sử, Trường THPT Thủ Đức cảm thấy lo lắng khi chỉ còn ít tháng nữa chương trình lớp 10 sẽ chính thức được triển khai.  

Cô Vân Anh cho biết, thời gian qua mới chỉ được tập huấn qua mạng internet. “Cuốn sách giáo khoa đó chúng tôi cũng được nhìn nhưng chưa có thời gian nghiên cứu kỹ, bản thân chúng tôi hoang mang không biết sang năm chúng tôi sẽ dạy như thế nào với 2 cuốn này. Chúng tôi mong Sở GD&ĐT sẽ tập huấn rõ ràng để triển khai với học sinh”.

Xây dựng tổ hợp môn dựa trên thực lực

Căn cứ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh, trường THPT Thủ Đức, TP.HCM đã tính toán lộ trình thực hiện chương trình lớp 10 mới.

“Trường thực hiện lộ trình xây dựng và phổ biến kế hoạch tổ chức chương trình giáo dục phổ thông 2022-2023 cho các em, phổ biến cho phụ huynh, học sinh, công khai trên trang web, tư vấn hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh đến trường khi tìm hiểu nhà trường.

Nhà trường sẽ  trình bày kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học mới cho tất cả học sinh, phụ huynh, khảo sát nguyện vọng học sinh về chọn ban, tổ hợp môn, chuyên đề học tập.

Sau khảo sát, nhà trường căn cứ kế hoạch ban đầu sẽ tiến hành điều chỉnh để việc đăng ký của học sinh phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường. Sau khi có sự thống nhất, nhà trường sẽ thông báo em đó học ban nào suốt 3 năm. “Ví dụ em học nhóm môn chủ yếu là tổ hợp tự nhiên thì tăng cường Lý, Hóa, Sinh. Theo quy định mỗi nhóm môn ít nhất chọn 1 môn”, thầy hiệu trưởng Lê Ngọc Khái cho biết.

Thống kê 5 năm gần đây của trường THPT Thủ Đức cho thấy trong 18 lớp tuyển sinh thường có 13-14 lớp học sinh đăng ký học Khoa học tự nhiên, trong khi chỉ có 3-4 lớp Khoa học xã hội. Dựa trên cơ sở này, năm học tới, nhà trường dự định sẽ có 13 lớp Khoa học tự nhiên và 5 lớp Khoa học xã hội.

Năm học tới, giống như nhiều trường học trên cả nước, trường THPT Thủ Đức chưa thể tổ chức được môn Âm nhạc và Mỹ thuật vì chưa tuyển được giáo viên.

“Trường tính phương án hợp đồng với những giáo viên có trình độ đại học, nhà trường cũng đi tìm hiểu nhiều trung tâm nhưng chưa nhận được phản hồi họ nên ban này cũng chưa thực hiện được năm nay”.

Tư vấn, hướng nghiệp tại trường THPT Thủ Đức, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Tư vấn, hướng nghiệp tại trường THPT Thủ Đức, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP.HCM khẳng định, với lợi thế tổ chức những môn học như nghệ thuật, hoạt động ngoài giờ, thể chất nên trường không gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự cho các bộ môn nghệ thuật. Hiện, nhà trường đã xây dựng được 7 tổ hợp môn.

Thầy Phú khuyên phụ học sinh và phụ huynh cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn được tổ hợp phù hợp nhất.

"Việc lựa xây dựng, bố trí tổ hợp môn của nhà trường là dựa trên nguồn lực, vật lực có sẵn, phụ huynh phải tin tuyệt đối vào nhà trường, không riêng gì trường THPT Nguyễn Du mà các trường khác cũng vậy. Khi giáo dục 1 đứa trẻ, không phải lớp 10 mà còn lớp 11, lớp 12 rồi dự thi tốt nghiệp THPT và xét vào các trường đại học. Nhà trường cũng cân nhắc những nội dung làm sao đủ mạnh cho công tác đó".

Chương trình mới, thi cử có thay đổi?

Với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cần phải điều chỉnh bởi nếu giữ nguyên sẽ gây khó cho học sinh và các trường.

Hiện nay các trường đại học đang tuyển theo các khối thi truyền thống, nhưng sau này các tổ hợp môn các em lựa chọn khác với tổ hợp truyền thống thì cách xét tuyển của các trường cũng phải thay đổi.

“Tuy nhiên, các nhà trường hiện nay cũng chỉ xây dựng số tổ hợp môn cơ bản, cũng không quá phức tạp”, thầy Khái chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức cũng cho rằng, đề thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học hiện nay cũng cần có sự điều chỉnh. “Ví dụ các em thi đánh giá năng lực của ĐHQG, không phải tất cả các em cùng đề mà phân theo tổ hợp mới hài hòa hơn trong chọn ban.

Ở chương trình cũ, các em học tất cả các môn nhưng giờ các em chỉ chọn ít nhất 5 môn trong 3 nhóm (9 môn). Nếu giờ ra đề phạm vi kiến thức cả 9 môn thì chắc chắn khó làm bài, thậm chí không làm được bài. "Đây là chuyện tương lai, chắc Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục để đồng bộ giữa chương trình và thi cử”, thầy Lê Ngọc Khái nêu quan điểm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường THCS lấy phiếu khảo sát nhu cầu học sinh chọn môn theo chương trình lớp 10 mới, hoàn thành vào cuối tháng 4 năm nay.

Sau khi lấy phiếu khảo sát về nhu cầu lựa chọn tổ hợp môn học của học sinh lớp 9, các trường THPT phải công bố các tổ hợp môn học, chuyên đề vào tháng 5, trước mùa tuyển sinh đầu cấp. Với những trường hợp thí sinh chưa thể lựa chọn được ngay tổ hợp môn học, chuyên đề, dựa trên cơ sở thực tiễn, các nhà trường có phương án bổ sung, giúp các em có cơ hội tiếp cận với môn học yêu thích./.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp THPT, học sinh học tất cả 12 môn. Trong đó, 7 môn và hoạt động bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

5 môn lựa chọn được lấy từ ba nhóm (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Theo Phương Lan/VOV2

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/chuong-trinh-lop-10-moi-thi-cu-xet-tuyen-dai-hoc-se-phai-thay-doi-post940204.vov