Cập nhật: 04/05/2022 09:24:00
Xem cỡ chữ

Nhiều người đến khám bác sĩ Tai Mũi Họng vì nhận thấy dấu hiệu bị ù tai khi họ đang bị viêm mũi xoang. Vậy hai vấn đề này có liên quan với nhau không?

Nguyên nhân gây ù tai khi bị viêm mũi xoang 

Có những bệnh nhân đang ngạt mũi, tắc mũi lại xuất hiện thêm ù tai và đau tai. Ai mắc biểu hiện này đều lo lắng, nghĩ là mình đã bị bệnh gì rất nặng vì tai khó nghe, đau và bứt rứt khó chịu khiến mất ăn, mất ngủ.

Vậy lý do gì gây ra biểu hiện đó?

Khi bạn bị viêm mũi xoang, niêm mạc của mũi và xoang tăng tiết dịch. Dịch tiết sẽ bám xung quanh lỗ thông giữa mũi và tai giữa (lỗ vòi nhĩ), bít tắc lỗ vòi nhĩ hoặc dịch chui sâu vào lỗ vòi khi bạn xì mũi, đặc biệt là ở những bệnh nhân thường xuyên bơm rửa mũi và xì mạnh; lúc này áp lực tạo ra khi xịt và xì mũi sẽ làm dịch chui vào tai giữa.

May mắn là biểu hiện ù tai do viêm mũi xoang có xu hướng khỏi sau khi điều trị viêm mũi xoang ổn định.

Xử trí ra sao khi bị ù tai?

Việc đầu tiên bạn cần đến bác sĩ Tai Mũi Họng để thăm khám. Bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ là người khẳng định liệu chứng ù tai mà bạn mắc phải có phải thực sự do viêm mũi xoang hay không? Mức độ viêm mũi xoang và mức độ tắc nghẽn của vòi tai và dịch ở tai giữa có nhiều hay không?

Khi đã rõ nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị. Bệnh nhân viêm mũi xoang, bác sĩ có thể cho dùng kháng sinh trong vòng 10-14 ngày; kết hợp với thuốc kháng viêm, loãng đờm, giảm đau (nếu đau nhức nhiều). Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sẽ được kê các thuốc kháng viêm, chống sung huyết, co mạch; được hút dịch mũi xoang cho lỗ thông xoang được mở rộng để mủ trong xoang thoát ra được bên ngoài… Thày thuốc cũng sẽ cho hút sạch dịch tại lỗ thông vòi nhĩ, thường với động tác này người bệnh sẽ hết hoặc giảm ngay ù tai. Bệnh nhân cũng có thể được điện xung tai giữa, kích thích làm loãng dịch trong tai giữa để dịch dễ dàng thoát ra ngoài qua đường vòi tai. Sử dụng khí dung mũi xoang giúp cho các thuốc dạng phân tử bám được trên bề mặt mũi xoang để giảm viêm tại chỗ, làm cho niêm mạc mũi xoang dần phục hồi. Bệnh nhân cần uống thêm các nhóm vitamin để nâng cao thể trạng và ăn các đồ ăn mềm, chia nhiều bữa, tăng lượng nước uống (khoảng 2 lít/ ngày).   

Làm gì để phòng bệnh?

Chúng ta cần ăn uống và sinh hoạt điều độ, không để cơ thể chịu sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ (như: để điều hòa trong phòng chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ môi trường. Nếu từ phòng có máy lạnh đi ra ngoài trời, nên tắt máy điều hòa trước 15 phút để cơ thể quen dần với nhiệt độ bên ngoài…

Ở những người từng bị viêm mũi xoang, nếu thấy các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi…; nên đến khám bác sĩ Tai Mũi Họng sớm.

Một điều cần lưu ý là không bơm rửa, không xì mũi mạnh, nhất là khi bạn đang có đợt viêm mũi họng cấp./.

Theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào

BV ĐH Y Hà Nội

https://vov.vn/xa-hoi/u-tai-khi-bi-viem-mui-xoang-post941358.vov