Cập nhật: 02/06/2022 14:34:00
Xem cỡ chữ

Hôm qua (1/6), Mỹ và Đức cam kết trang bị cho Ukraine một số vũ khí tiên tiến mà nước này mong muốn từ lâu để có thể bắn hạ máy bay và tấn công hệ thống pháo binh của Nga. Động thái này được nhận định là đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 tháng qua.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không lớp IRIS-T và radar phát hiện mục tiêu hiện đại: "Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine trong đó có hệ thống phòng không hiện đại nhất mà chúng tôi có, đó là IRIS-T. Hệ thống phòng không của Đức sẽ cho phép Ukraine bảo vệ toàn bộ các thành phố của mình khỏi cuộc không kích của Nga”.

Hệ thống phòng không lớp IRIS-T. Ảnh: Dhiel Defense

Hệ thống phòng không lớp IRIS-T. Ảnh: Dhiel Defense

Tuyên bố của Đức về việc cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T đánh dấu việc chuyển giao vũ khí phòng không tầm xa đầu tiên cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Việc giao các tên lửa phòng không vác vai di động trước đó đã củng cố khả năng của quân đội Ukraine trong việc bắn hạ trực thăng và các máy bay bay tầm thấp khác. 

Ngoài ra, theo Thủ tướng Olaf Scholz, Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để xem xét khả năng cung cấp nhiều bệ phóng tên lửa cho Ukraine với tầm bắn nằm ngoài lãnh thổ của Nga.

Về phần mình, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Gói này bao gồm các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142, có khả năng tấn công mục tiêu cách 80 km. Gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ còn gồm đạn dược, radar phản pháo, một số radar giám sát đường không, tên lửa chống tăng Javelin cũng như vũ khí chống thiết giáp.

Khi được hỏi về nguy cơ leo thang xung đột tại Ukraine trong trường hợp vũ khí do Mỹ cung cấp được dùng để tấn công Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: "Cụ thể đối với các hệ thống vũ khí đang được cung cấp, phía Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, Tổng thống Biden đã nói với Tổng thống Putin rằng, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ an ninh cho Ukraine để nước này tự vệ trong trường hợp Nga chưa ngừng các cuộc tấn công”.

Theo ông Blinken, với việc nước này không cung cấp các loại vũ khí cho phép Kiev tấn công Nga từ bên trong lãnh thổ Ukraine thì Mỹ sẽ ngăn chặn kịch bản mà trong đó Moscow coi Washington là một bên trong cuộc xung đột.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov không đồng ý với lập luận này và cho rằng, Mỹ đang làm cho cuộc xung đột trở nên nguy hiểm hơn. Theo ông Ryabkov, bất cứ việc viện trợ vũ khí nào cũng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine về cơ bản không làm thay đổi tình hình mà chỉ làm tăng thêm rủi ro.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, Moscow không tin vào những cam kết của Ukraine về việc không sử dụng các loại vũ khí tầm xa này để tấn công vào lãnh thổ Nga.

“Mỹ đang đổ dầu vào lửa một cách có chủ ý và nhiệt tình. Mỹ rõ ràng đang giữ quan điểm rằng họ sẽ chiến đấu với Nga đến người Ukraine cuối cùng và nguồn cung vũ khí của Mỹ ‘khuyến khích giới lãnh đạo Ukraine không nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Đây là lý do tại sao quan điểm của chúng tôi về điều này là tiêu cực”.

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ và các nước phương Tây đang từng bước leo thang trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm mục đích kiểm tra các giới hạn của Nga. Nếu phía Nga phản ứng không đủ mạnh, các nước này sẽ tiếp tục cung cấp các loại vũ khí hiệu quả và tinh vi hơn. Điều này được cho là làm xói mòn sức mạnh quân sự và kinh tế của Nga. Tuy nhiên, hậu quả cũng khôn lường bởi nó sẽ tiếp tục đẩy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đi xa hơn và không loại trừ có thể cuốn thêm các quốc gia khác vào vòng xoáy xung đột./.