[17/6] Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp tư vấn trên địa bàn tỉnh và trao bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu xúc tiến đầu tư (XTĐT) và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty Luật Shook Lin & Bok LLP, Singapore. Tới dự có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, với định hướng rõ ràng, cụ thể và có các bước đi phù hợp, 25 năm qua, Vĩnh Phúc đã tạo được nhiều dấu ấn trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 13.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 150.000 tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, từ khi thành lập đến khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố và luôn cần sự hỗ trợ tư vấn từ các cá nhân, tổ chức có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, đầu tư, tài chính, kiểm toán, thuế, hải quan.
Đồng chí Vũ Chí Giang khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư vấn phát triển. Đồng thời, đề nghị trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp tư vấn cần tích cực đổi mới, nâng cao năng lực tư vấn, chủ động tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; tư vấn, hỗ trợ về thuế, hải quan. Xây dựng mối quan hệ hài hòa 3 bên, gồm doanh nghiệp tư vấn, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; mong các nhà tư vấn bằng trí tuệ, trách nhiệm của mình tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sao cho hiệu quả nhất, an toàn nhất và bền vững nhất.
[16/6] Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh họp cho ý kiến vào Đề án thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 và dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về Tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Thanh Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN &PTNT chủ trì Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu cơ quan soạn thảo văn bản bổ sung thêm quan điểm: việc xây dựng NTM là của người dân và chính quyền địa phương, trong đó người dân là chủ thể và thực hiện xây dựng NTM sẽ theo cơ chế đặc thù. Với ý kiến của đại biểu về những khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, đồng chí cho rằng hầu hết trên địa bàn các huyện đều có nhà máy nước sạch nhưng chưa vận hành hết công suất.
Để thực hiện chỉ tiêu này, đòi hỏi các địa phương phải quyết tâm cao, tập trung huy động các nguồn lực để lắp đặt, đấu nối nguồn nước đến hộ dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch.
Trước những khó khăn trong quá trình xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đồng ý với đề xuất của các địa phương về việc lùi thời gian hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của cấp huyện sang năm 2023. Giao Sở NN&PTNT tiếp thu ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu để bổ sung, hoàn thiện Đề án, dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh vào kỳ họp tới đây.
[16/6] UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dự Hội nghị có đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đại tá Đinh Ngọc Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Trần Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố và đại diện các doanh nghiệp, xã, phường trong tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định, Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; Rà soát lại quy trình, trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất; giải quyết ngay những tồn tại hạn chế trong thực hiện Nghị quyết; các cơ quan liên quan tăng cường công tác phối hợp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; MTTQ và các đoàn thể phát huy vai trò, trách nhiệm tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.
[16/6] UBND Huyện Sông Lô tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao lần thứ IV. Tới dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Trung Hải, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội TDTT các cấp tỉnh; đồng chí Nguyễn Bá Huy, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Đại hội TDTT huyện Sông Lô lần thứ IV có hơn 900 vận động viên đến từ 17 xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, tham gia 9 môn thi đấu gồm: Bóng đá, Bóng chuyền hơi nam, Bóng chuyền da nam, Bóng chuyền hơi nữ, Kéo co, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ tướng và Bắn nỏ. Thông qua Đại hội TDTT nhằm đánh giá phong trào TDTT quần chúng, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, đáp ứng nhu cầu luyện tập, vui chơi, giải trí và thi đấu TDTT trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khuyến khích Nhân dân tích cực tập luyện thể dục thể thao, phát triển sâu rộng hơn nữa phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tăng cường sức khoẻ thi đua lao động, học tập xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời là cơ hội tuyển chọn lực lượng vận động viên xuất sắc tham gia Đại hội TDTT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022.
[16/6 ] Đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe các sở, ngành báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản”.
Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản” dự kiến được tổ chức vào ngày 23/6 tới đây, tại khách sạn DIC STAR với sự tham dự của Bộ ngoại giao Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và trên 100 doanh nghiệp, khách mời. Đây là sự kiện rất quan trọng, là cơ hội để Vĩnh Phúc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư lớn từ Nhật Bản và là khởi điểm của giao lưu văn hóa.
Tại cuộc họp, sau khi nghe lãnh đạo các Sở: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động- Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các đơn vị liên quan báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, chuẩn bị tốt các nội dung được phân công. Đồng thời yêu cầu Sở Ngoại vụ, sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị chu đáo các nội dung khánh tiết, hậu cần; sớm chuyển các câu hỏi đề xuất của các doanh nghiệp để các sở, ngành chuẩn bị, bảo đảm hội nghị diễn ra trang trọng, chu đáo, hiệu quả.
[15/6] HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 6, kỳ họp chuyên đề, xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp. Dự kỳ họp có các đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã nghe UBND tỉnh trình bày các báo cáo, tờ trình về việc điều chỉnh hoạch vốn phân bổ chi tiết nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2022 do Trung ương giao (đợt 2) và phân bổ vốn ngân sách địa phương (từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách, cải cách tiền lương,...) bổ sung cho đầu tư phát triển năm 2022.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, những cơ sở pháp lý và thực tiễn của kế hoạch, phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư công, phân bổ vốn ngân sách địa phương, kéo dài nguồn vốn đầu tư công cấp huyện, xã; việc chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng và thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất; tập trung cho ý kiến về chủ trương đầu tư công từng dự án; sự phù hợp của các dự án đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy mô của dự án; về hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư; về tiến độ hoàn thành dự án theo đề nghị của UBND tỉnh.
HĐND tỉnh cũng thống nhất thông qua một số Nghị quyết; thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, đây là các Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông nguồn lực; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở giáo dục đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và giai đoạn tiếp theo đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Với tinh thần trí tuệ, trách nhiệm cao của các đại biểu, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ các nội dung đề ra.
[15/6] Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Đồng chí Trần Thanh Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại hồ Xạ Hương, huyện Tam Đảo và trạm điều tiết nước Cầu Tôn, huyện Bình Xuyên, Đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai của các cấp trong tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh, mặc dù là tỉnh ít chịu ảnh hưởng của thiên tai,bão lũ, tuy nhiên Vĩnh Phúc không nên chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động hơn nữa trong công tác này. Cho rằng, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, đồng chí đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Vĩnh Phúc cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng các phương án cụ thể. Công an và quân đội là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh yêu cầu 2 ngành cần chủ động tham mưu xây dựng lực lượng chuyên trách và trang bị phương tiện, thiết bị đặc chủng phục vụ công tác này. Đồng thời, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng ở cấp xã, nhằm sẵn sàng ứng phó với các tình huống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
[14/6] Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chủ trì họp nghe Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đánh giá tiến trình chuyển đổi số của Vĩnh Phúc hiện nay vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tế. Việc chậm trễ trong chuyển đổi số là do nhận thức, tư duy đổi mới của người đứng đầu các đơn vị. Ban Chỉ đạo vẫn chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành để tìm ra những giải pháp, áp dụng các phương pháp công nghệ mới. Nếu chuyển đổi số mạnh mẽ, thông suốt thì mọi chỉ đạo, thông tin, văn bản từ cấp tỉnh sẽ đến được với từng người dân, nhưng hiện tại quá trình lan tỏa thông tin vẫn còn chậm, các cảnh báo đưa đến người dân vẫn chưa kịp thời, ví dụ như cảnh báo về thiên tai, bão lũ, thông tin về sự kiện chính trị của tỉnh, các sự kiện văn hóa thể thao phần đông người dân chưa nắm được.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chuyển đổi số cần trải qua 4 bước: cảm nhận - tin tưởng - quan tâm - sử dụng, muốn đạt đến mức độ quan tâm và sử dụng thì mỗi cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp cần có thái độ chuẩn mực, thân thiện, tạo ra những cảm nhận tích cực và chiếm được lòng tin của người dân, có như vậy thì mới thiết lập được xã hội số, kinh tế số.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu, Tổ giúp việc phát huy vai trò tham mưu giúp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ chuyển đổi nhận thức; tham mưu triển khai hiệu quả các văn bản liên quan tới chuyển đổi số; đôn đốc trách nhiệm và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của các ngành; kiện toàn lại nhân sự của Tổ; hằng Quý có đánh giá thực hiện nhiệm vụ của Tổ.
Văn phòng UBND tỉnh tham mưu rà soát thủ tục hành chính để nâng cao tỷ lệ số hóa dịch vụ công trực tuyến. Ban hành chính sách khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, có các giải pháp để người dân tiếp cận chuyển đổi số đơn giản nhất.
[14/6] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2022. Dự Hội thi có đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Phát biểu khai mạc Hội thi, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh khẳng định: Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2022 là đợt sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ bổ ích và có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ giảng dạy của đội ngũ giảng viên chuyên trách.
Đồng chí đề nghị sau Hội thi, các giảng viên tiếp tục phát huy khả năng, trí tuệ, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới, nhất là sự bùng nổ thông tin của thời kỳ cách mạng 4.0, sự chống phá quyết liệt, ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm nay có sự tham gia của 8 giảng viên chuyên trách đến từ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố. Các thí sinh trải qua 3 phần thi: Soạn giáo án; giảng trực tiếp với việc lựa chọn phần trọng tâm trong chuyên đề bài giảng đã đăng ký để trình bày trong thời gian 25-30 phút; trả lời câu hỏi theo hình thức bốc thăm tại chỗ nội dung liên quan trực tiếp tới chuyên đề bài giảng, đồng thời mở rộng để kiểm tra kiến thức, kỹ năng của giảng viên.
[14/6] Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì họp phiên thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh, cho ý kiến vào các báo cáo chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh khóa XVII và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.
Báo cáo tình hình kinh - tế xã hội của UBND tỉnh đánh giá trong 6 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP giá so sánh 2010), 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 46.062 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI có tổng số vốn đầu tư 126,82 triệu USD và 7 dự án DDI có tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 6.338 tỷ đồng; công tác văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đời sống nhân dân ổn định, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,36%; công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Cũng tại phiên họp, UBND tỉnh đã thông qua các Báo cáo công tác của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo Tổng hợp, kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công và công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, (đợt 3) và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022; Báo cáo về dự kiến kế hoạch đầu tư công 2023; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh 6 tháng đầu năm 2022; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo tình hình phân bổ kế hoạch vốn 6 tháng đầu năm 2022 cho các dự án, nhiệm vụ từ các nguồn thu, tiết kiệm chi, cải cách tiền lương, dự phòng, kết dư ngân sách cấp tỉnh; Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo kết quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; Báo cáo chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2022 về lĩnh vực nước sạch và lĩnh vực vệ sinh môi trường.
Cho ý kiến vào các báo cáo, các đại biểu đề nghị các địa phương rà soát thiệt hại do mưa lũ để có phương án hỗ trợ người dân bị biệt hại; tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm đất đai; tăng cương công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án; quan tâm đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung đáp ứng nhu cầu của người dân.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, với sự phân công, điều hành linh hoạt, hiệu quả, gắn trách nhiệm của người đầu đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, 6 tháng đầu năm nay, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phòng chống dịch bệnh; các lĩnh vực văn hóa xã hội khởi sắc, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh trật tự, môi trường được giữ vững. Để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cao độ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được giao.
Nhật Minh