Cập nhật: 12/07/2022 09:05:00
Xem cỡ chữ

Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai nhưng 6 tháng đầu năm KT-XH vẫn đạt được những dấu ấn đậm nét: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, tốc độ tăng trưởng 10,10%, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước.

Trên cơ sở nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án cụ thể, giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển và các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc có 9/17 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đã đề ra; các chỉ tiêu còn lại hầu hết đã vượt trên 50% so với kế hoạch năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng 8 % so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỷ.

Để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, các huyện/thành phố khẩn trương phân khai chi tiết nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, thường xuyên bám sát để giải quyết, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, kịp thời điều chỉnh, điều hòa nguồn vốn, phấn đấu giải ngân cao nhất nguồn vốn đã được giao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh giải ngân được hơn 2.600 tỷ đồng, đạt 27% so với kế hoạch vốn đã phân bổ và bằng 37,8% so với kế hoạch Trung ương giao.

Có được một số kết quả quan trọng trên là do những nỗ lực của Vĩnh Phúc trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, việc tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì sản xuất, không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng. Đây là tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc vượt qua những khó khăn, thách thức phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022./.

Đặng Thưởng