Năm 2022 là năm đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy mà toàn bộ kết quả gắn kết luôn với quá trình xét tuyển, không cần bất kỳ dữ liệu nào khác.
Sáng 15/7/2022, hơn 7.000 thí sinh bước vào kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Sau hai buổi thi sáng và chiều 15/7, các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển đại học đã hoàn tất các phần thi gồm: phần thi bắt buộc (Toán và Đọc hiểu) và phần thi tự chọn (Khoa học tự nhiên hoặc tiếng Anh).
Rời phòng thi, đa số thí sinh đều có chung nhận xét: Đề thi đánh giá tư duy khá dài và khó. Tuy nhiên, các em không bất ngờ vì đã có hai lần thi thử đề thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Đề thi thông thường chia ra ba bậc: Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng sáng tạo. Với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, câu hỏi ở mức độ Thông hiểu chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, với đề thi đánh giá tư duy, câu hỏi Thông hiểu chỉ chiếm khoảng 20% và gia tăng ở phần Vận dụng, Vận dụng sáng tạo.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Phong Điền, phần Vận dụng sáng tạo là phần chủ chốt của việc phân loại. Vì các câu hỏi trong phần Vận dụng sáng tạo khá kén thí sinh, những thí sinh thực sự xuất sắc mới làm được bài này.
Bên cạnh đó, việc thiết kế bài thi đánh giá tư duy theo hướng có một bài đọc hiểu nhằm phân loại thí sinh có khả năng hiểu ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ.
Phần đọc hiểu khá nhiều trang. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã lồng ghép vào đề thi hai nội dung tự luận Toán và Tiếng Anh để các thí sinh thể hiện khả năng về tư duy logic cũng như cách trình bày. Tất cả những nội dung đó mang tính phân loại cao hơn nhiều so với các kỳ thi khác. Vì vậy, dự đoán đề thi đánh giá tư duy sẽ không có “mưa” điểm 9, điểm 10, điểm chuẩn sẽ không đến 27 điểm.
Chia sẻ về lộ trình tuyển sinh trong thời gian tới, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Nhà trường luôn mong muốn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy làm nền tảng trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, trường vẫn xét đến yếu tố đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ở mọi miền đất nước vì địa bàn tuyển sinh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội rất rộng, nhất là những thí sinh không có điều kiện tiếp cận với kỳ thi đánh giá tư duy.
Từ đầu năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố trong Đề án tuyển sinh dành 20-30% chỉ tiêu theo phương thức tuyển sinh điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, thí sinh mong muốn được học tại nhà trường vẫn có cơ hội, dù các em không tham gia kỳ thi đánh giá tư duy hoặc không đủ tiêu chuẩn để đánh giá theo phương thức xét tuyển tài năng.
“Đó là tổng thể số lượng chỉ tiêu, còn tùy theo ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như lĩnh vực Điều khiển tự động hóa, Cơ điện tử, Công nghệ thông tin, đến một thời điểm nào đó, các thí sinh có thể phải chấp nhận việc nhà trường hoàn toàn dành chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển tư duy,” lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý.
Năm 2022 là năm đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi mà toàn bộ kết quả gắn kết luôn với quá trình xét tuyển, không cần bất kỳ dữ liệu nào khác.
Kỳ thi đánh giá tư duy có thể sử dụng cho khá nhiều trường, đặc biệt các trường trong lĩnh vực về kỹ thuật công nghệ, hướng tới những ngành/chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao, chọn thí sinh giỏi. Năm nay, 20 trường đại học trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi này.
Các trường tham gia tự nguyện và hết sức thuận tiện. Chỉ cần đăng ký với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để sử dụng dữ liệu, nhà trường sẽ công bố dữ liệu kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy cùng thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Toàn bộ dữ liệu này được đưa lên cơ sở dữ liệu chung.
Việc các trường sử dụng kết quả kỳ thi xét tuyển lấy thí sinh phụ thuộc vào việc thí sinh có đăng ký xét tuyển vào trường đó bằng phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy hay không. Ngoài ra, các trường không phải đóng góp bất cứ một khoản phí nào.
Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đưa ra lời khuyên với các thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, sau khi biết kết quả thi và các điều kiện về học lực, thí sinh cân nhắc và xem xét để đăng ký nguyện vọng dựa trên một số nguyên tắc sau: Trước hết, số lượng nguyện vọng không hạn chế.
Các em hãy đặt nguyện vọng yêu thích nhất của mình lên trên, ưu tiên theo thứ tự từ trên xuống dưới, không ưu tiên đưa lên nguyện vọng 1, 2 những ngành chắc chắn đỗ, vì như vậy sẽ làm giảm quyền lợi của các em. Hãy ưu tiên những ngành các em yêu thích hoặc có sở trường, năng lực tốt nhất.
Bên cạnh đó, thí sinh lưu ý quy chế xét tuyển của các trường (có thể có những giới hạn, điều kiện phụ trong đăng ký xét tuyển) để tránh bỏ phí một nguyện vọng./.
Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ky-thi-danh-gia-tu-duy-cua-dh-bach-khoa-se-khong-co-mua-diem-9-10/805993.vnp