Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị hệ thống kiểm soát y tế của TPHCM và các tỉnh phía Nam phải giám sát chặt chẽ để phát hiện ngay từ cửa khẩu các trường hợp xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ.
Nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ từ cửa khẩu, người về từ vùng dịch
Ngày 25/7, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức buổi mít tinh phát động vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh, hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang gia tăng tại nhiều quốc gia và ở nhiều nước thuộc khu vực châu Á và Tây Thái Bình Dương.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: Hoàng Lê).
Mới đây vào ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với hơn 16.000 ca mắc tại 75 quốc gia trên thế giới, 5 trường hợp tử vong. Hiện một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu của bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã lập tức tổ chức họp khẩn để tìm cách ứng phó.
Trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa tất cả sau hơn 2 năm đại dịch để du lịch quay trở lại, kinh tế xã hội phát triển, những người đi từ vùng dịch về, ở các nước như châu Phi, châu Âu có thể vào Việt Nam và làm xuất hiện các trường hợp xâm nhập đậu mùa khỉ.
Ông Nguyễn Lương Tâm làm việc với Trạm Y tế phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống các dịch bệnh (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo ông Lương Tâm, thời điểm này dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại. Đồng thời dịch sốt xuất huyết đang hoành hành với tổng cộng 124.000 ca mắc, trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực phía Nam. Những trường hợp tay chân miệng cũng xuất hiện, và giờ là chủ động phòng ngừa nguy cơ đậu mùa khỉ bùng phát.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhận định, tại TPHCM có cảng hàng không, Tây Ninh và một số tỉnh có đường biên giới, nguy cơ đậu mùa khỉ sẽ xuất hiện bởi những trường hợp nhập cảnh. Do đó, đòi hỏi hệ thống y tế ở biên giới, đường hàng không phải kiểm soát chặt chẽ để phát hiện ngay từ cửa khẩu.
Kế tiếp, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn, làn sóng người đi du lịch từ các tỉnh phía Nam rất đông, bao gồm cả khách du lịch quốc tế. Lực lượng chức năng cũng phải giám sát thường trực những trường hợp này nhằm kịp thời tìm ra các ca đậu mùa khỉ.
Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trực tiếp đổ nước đọng chứa lăng quăng khi kiểm tra dãy nhà trọ từng có bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong sinh sống (Ảnh: Hoàng Lê).
Đại diện Bộ Y tế khuyến cáo người đi từ vùng dịch về nếu có các dấu hiệu như sốt cao, đau đầu, đau cơ, sưng hạch, phát ban… cần lập tức đến cơ sở y tế kiểm tra.
Quy trình phản ứng nhanh khi phát hiện ca đậu mùa khỉ
Về quy trình phản ứng nhanh đối phó với bệnh, khi có một trường hợp xuất hiện triệu chứng đậu mùa khỉ, ngành chức năng sẽ vận động người này đến cơ sở y tế, và hệ thống CDC các tỉnh thành sẽ lấy mẫu xét nghiệm, chuyển cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, cũng như lập tức cách ly bệnh nhân.
Khi đã có kết quả xét nghiệm xác định dương tính, bệnh nhân sẽ được điều trị trong vòng 21 ngày.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị UBND các tỉnh thành phố cùng các ban ngành địa phương quan tâm quyết liệt hơn nữa việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, vận động nhân dân thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể, ăn chín uống sôi, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ... để hạn chế việc lây lan, kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm.
"Việc vệ sinh cá nhân là những biện pháp phòng dịch cơ bản, đơn giản, hữu hiệu và cơ bản nhất mà người dân có thể thực hiện được" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, các triệu chứng thường thấy của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.
Các biến chứng có thể xảy ra của đậu mùa khỉ gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.
Theo Hoàng Lê/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-canh-bao-duong-xam-nhap-benh-dau-mua-khi-tai-tphcm-va-phia-nam-20220725130200568.htm