Sau 1 tháng khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia núi Bân, các nhà khảo cổ xác định những dấu tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở Huế. Đây là cơ sở quan trọng trong việc phát huy giá trị và xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với khu di tích núi Bân.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo kết quả sơ bộ về khảo cổ tại khu di tích quốc gia núi Bân, phường An Tây, Thành phố Huế. Di tích này được xem là đàn Nam Giao của vương triều Tây Sơn, nơi Nguyễn Huệ làm lễ cáo trời đất, chính danh lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào năm 1788.
Hiện trường khai quật khảo cổ ở di tích quốc gia núi Bân, phường An Tây, Thành phố Huế.
Tại khu vực núi Bân, trong thời gian hơn 1 tháng, nhóm khảo cổ đã đào 9 hố và tìm thấy những vết tích như: bó móng kè đá, kè gạch, mặt nền san phẳng… từ đó bước đầu xác định đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng tại núi Bân. Các nhà nghiên cứu đề xuất mở rộng diện tích khai quật và đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương số hóa các hình ảnh, tư liệu liên quan nhằm lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền công nhận di tích núi Bân là di tích quốc gia đặc biệt.
Các nhà nghiên cứu đề xuất cần có một cuộc khảo cổ quy mô hơn ở núi Bân đề làm sáng tỏ thêm đàn Nam Giao thời Tây Sơn.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Trưởng Đoàn khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết: “Tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nghiên cứu khai quật. Đó là những tư liệu vật thật, thông tin khoa học chân xác nhất để chúng ta xác định quy mô kết cấu cũng như niên đại của di tích. Đó là những tư liệu có thể sử dụng rất nhiều cho phát huy sau này"./.
Theo Lê Hiếu/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/van-hoa/xuat-lo-nhieu-dau-tich-quan-trong-ve-dan-nam-giao-thoi-tay-son-o-hue-post960018.vov