Các minh chứng khoa học cho thấy, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người trên phạm vi toàn cầu có nguồn gốc từ động vật như: dịch SARS, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ, Covid-19, cúm Tây Ban Nha...
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đưa ra tại Sáng kiến “Một sức khỏe” và Dự án cải thiện sức khỏe con người dựa vào các nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) và Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) khởi động sáng 3/8 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tăng cường phối hợp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Dự án cải thiện sức khỏe con người dựa vào các nền tảng công nghệ thông tin ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc tài trợ và Sáng kiến mới của Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) về “Một sức khỏe” hướng đến áp dụng cách tiếp cận "Một sức khỏe" để đảm bảo sự tham gia đa ngành và đa lĩnh vực nhằm giải quyết các mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Ông Jimmy Smith-Tổng giám đốc Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế cho biết, thông qua triển khai dự án giúp tăng cường năng lực cho các đối tác quốc gia trong việc giám sát, phát hiện sớm và ứng phó khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh, đưa ra khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách; mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, bảo vệ động vật và môi trường để đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh nỗ lực nghiên cứu toàn cầu bảo vệ sức khỏe con người, khởi động Sáng kiến Một sức khỏe và dự án sử dụng công nghệ thông tin để quản lý đại dịch, giám sát dịch bệnh là rất quan trọng trong cách tiếp cận Một sức khỏe. Cách tiếp cận này có nhiều lợi thế không chỉ tăng cường năng lực của ngành y tế, bảo vệ sức khỏe con người mà còn tạo ra lợi ích về môi trường, động vật. Chúng ta có thể phối hợp theo chiều ngang chứ không chỉ theo chiều dọc. Việt Nam hiện là quốc gia đi đầu ở khu vực, việc thực hiện dự án sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa việc phòng chống bệnh động vật lây truyền sang người tại Việt Nam và khu vực", ông Jimmy Smith nói.
Khởi động Sáng kiến Mọt sức khỏe và dự án quản lý đại dịch và cải thiện sức khỏe con người dựa trên nền tảng công nghệ.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các quốc gia ở khu vực Đông Nam á trong đó có Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng về nguy cơ với sức khỏe con người, ảnh hưởng đến sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia do xuất hiện các bệnh truyền lây từ động vật sang người, kháng kháng sinh và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Các minh chứng khoa học cho thấy, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người trên phạm vi toàn cầu có nguồn gốc từ động vật như: dịch SARS, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ, Covid-19, cúm Tây Ban Nha... do vậy nếu không có hệ thống thú y cũng như những giải pháp trong đó có cách tiếp cận “Một sức khỏe”, kháng kháng sinh thì nguy cơ và hậu quả là rất lớn đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật và trên người.
Sáng kiến Một Sức khỏe sẽ giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về thực trạng bệnh truyền nhiễm từ động vật, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm ở Việt Nam và mang lại các giải pháp không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn cầu.
"Những đại dịch trong đó có Covid-19 giúp các quốc gia hiểu rõ hơn sự liên hệ giữa con người, động vật và môi trường, đòi hỏi phải xác định và hoàn thiện các chiến lược phối hợp liên ngành giữa nông nghiệp, y tế và môi trường. Tiếp cận “Một sức khỏe” có ý nghĩa về thực tiễn khoa học và thực tiễn, muốn đảm bảo an toàn thực phẩm thì phải tiếp cận một sức khỏe. Cần phải có những giải pháp, cơ chế và kiến nghị Chính phủ Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng phối hợp chặt chẽ để triển khai nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn và quy mô lớn hơn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết./.
Theo Minh Long/VOV1
https://vov.vn/suc-khoe/70-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-moi-noi-o-nguoi-co-nguon-goc-tu-dong-vat-post960851.vov