Sau hơn 5 tháng giao tranh, Ukraine vẫn đang nỗ lực tìm cách đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga, nhưng tính toán của nước này đang phải thay đổi do một loạt thách thức lớn.
Quân đội và các nhà lãnh đạo của Ukraine đang chịu phải chịu áp lực lớn khi nước này chuẩn bị đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt cũng như khả năng Nga tăng cường các cuộc tấn công để kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ nằm dọc Biển Đen.
Tuần này, hy vọng của Ukraine về khả năng giành chiến thắng tại các vùng lãnh thổ phía Nam dọc theo Biển Đen trước cuối năm nay đã bị giảm bớt sau khi có thông tin về việc Kiev có thể phải hoãn cuộc phản công cho đến năm 2023 do thiếu nguồn cung vũ khí của phương Tây.
Chưa kể trong những ngày qua, quân đội Nga và các lực lượng thân Nga đã đẩy mạnh cuộc tấn công vào tuyến phòng thủ của Ukraine tại chiến trường ở Donetsk – nơi đang diễn ra cuộc giao tranh ác liệt nhất, song song với việc tăng cường kiểm soát thành phố Kharkov. Moscow cũng đã đạt được những bước tiến nhỏ nhưng rất quan trọng xung quanh Bakhmut – thành phố có khoảng 72.000 dân nằm giữa Donetsk và Lugansk.
Chiến tuyến ở Ukraine kéo dài khoảng 2.500 km chạy dọc từ biên giới phía Bắc cạnh Kharkov đến tận khu vực Biển Đen. Chiến sự diễn ra ác liệt tại nhiều nơi dọc theo những khu vực này. Cả hai bên cũng nhiều lần tố nhau bắn phá các địa điểm dân sự.
Lao đao về kinh tế
Hiện giới lãnh đạo Ukraine đang “đau đầu” đối phó một loạt vấn đề lớn. Trước hết là vấn đề kinh tế. Trước khi chiến sự nổ ra, Ukraine là một trong những quốc gia kém phát triển nhất châu Âu. Hiện giờ, quốc gia này đang đứng trên bờ vực vỡ nợ do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn kinh phí hỗ trợ của phương Tây để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đất nước.
Hồi tháng 4, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, nước này cần được hỗ trợ 7 tỷ USD mỗi tháng để bù đắp tổn thất do chiến tranh gây ra. Những ngày gần đây, Kiev đã phải trấn an những người lính trên chiến trường, đội ngũ giáo viên, những người hưu trí và nhiều thành phần khác phụ thuộc vào ngân sách nhà nước rằng, họ sẽ sớm được trả lương.
Tình trạng thiếu hụt ngân sách ngày càng trầm trọng hơn khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ, khiến hàng triệu tấn ngũ cốc bị dồn ứ trong các kho dự trữ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Ukraine có thể giảm 35% do hậu quả của chiến tranh. Còn Bộ Tài chính Ukraine ước tính thâm hụt trong khu vực công của nước này đã tăng từ 2 tỷ USD vào tháng 3/2022 lên tới 7 tỷ USD vào tháng 5. Nếu Ukraine cạn kiệt ngân sách thì ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề này sẽ rất lớn và khi đó người dân sẽ không còn khả năng thanh toán cho các loại hóa đơn hoặc mua thực phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Ukraine đang nhận được những khoản viện trợ khổng lồ từ các đối tác phương Tây. Kể từ khi chính quyền Biden lên nắm quyền, Mỹ đã cam kết chi 5,3 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine. G7 và EU cũng công bố các khoản hỗ trợ chính thức cho Ukraine, trị giá 29,6 tỷ USD. Nhưng sự hỗ trợ đó “chỉ như muối bỏ bể” khi Ukraine phải ứng phó với tình trạng lạm phát tăng vọt, thiếu khí đốt nghiêm trọng, nền kinh tế bị tàn phá, sản xuất bị đình trệ và rất nhiều vấn đề khác do chiến tranh gây ra.
Một thách thức cấp bách hiện nay đối với Kiev là phải trả các khoản nợ và lãi suất trái phiếu chưa thanh toán. Do nguồn tiền hạn chế, Ukraine sẽ khó có thể thực hiện được nghĩa vụ này. Trên thực tế, nước này đã xin phép “đóng băng” khoản nợ nước ngoài khoảng 20 tỷ USD. Yêu cầu này ngay lập tức được các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Đức chấp thuận.
Ngoài khó khăn về mặt kinh tế, căng thẳng chính trị cũng đang âm ỉ trong lòng Ukraine. Trong những tuần vừa qua, chính phủ Tổng thống Zelensky đã thực hiện một số bước đi gây tranh cãi, chẳng hạn như tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt bị cho là thân Nga, sa thải một loạt tướng lĩnh cấp cao nhằm cải tổ lực lượng an ninh, cho phép tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Sự ủng hộ đối với Ukraine được cho là có khả năng suy giảm khi ngày 4/8, Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra một báo cáo cáo buộc quân đội Ukraine sử dụng các tòa nhà dân sự trong đó có trường học và bệnh viện làm căn cứ quân sự và thực hiện các cuộc tấn công từ các khu vực dân sự. Theo tổ chức này, chiến thuật như vậy được cho là gây nguy hiểm cho dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. Tuy nhiên, Kiev đã phản bác báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng cơ quan này đang “đánh đồng giữa nạn nhân và người phạm tội”.
Nguy cơ thất bại trên chiến trường
Nhưng lo lắng lớn nhất của Kiev có lẽ là nguy cơ thất bại trên chiến trường. Một cuộc phản công thất bại có nguy cơ khiến Ukraine mất toàn bộ khu vực Đông Nam, thậm chí những vùng lãnh thổ thuộc miền Trung, vì khi đó họ không còn đủ lực lượng để bảo vệ nữa. Ông Oleg Zhdanov, chuyên gia quân sự của Ukraine cho rằng, để có thể thực hiện kế hoạch này Ukraine cần phải tập hợp đủ binh sỹ và khí tài do sự chênh lệch lực lượng nước này với Nga là quá lớn.
Một quan chức giấu tên của Ukraine nói với Financial Times rằng, cuộc phản công giành lại Kherson có thể sẽ không diễn ra cho đến năm 2023 vì Kiev không có đủ 30% số lượng vũ khí cần thiết để thực hiện kế hoạch này.
Trong lúc quân đội Ukraine đang chờ đợi phương Tây gửi thêm vũ khí, nhiều quan chức nước này dự đoán, Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công mới ở phía Nam – nơi Moscow đang tích lũy cả nhân lực lẫn vật lực. Điện Kremlin nhiều khả năng muốn giành quyền kiểm soát Odessa - thành phố cảng quan trọng, từ đó chặn hoàn toàn việc tiếp cận của Ukraine với Biển Đen. Động thái như vậy nhiều khả năng sẽ gặp sự kháng cự quyết liệt và trở thành thách thức lớn đối với quân đội Nga, vốn đang chịu tổn thất khá nhiều trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài.
Chuyên gia quân sự Zhdanov nhận định, các lực lượng Nga có thể đe dọa đánh chiếm các thành phố ở phía Nam là Kryvyi Rih, Zaporizhzhia và Mykolaiv, nhưng “xác suất chiến thắng rất nhỏ”.
Mykolaiv là rào cản lớn trên đường tiến của Nga tới Odessa còn Kryvyi Rih và Zaporizhzhia nằm ở phía Bắc các vùng lãnh thổ mà Nga mới giành được dọc theo Biển Đen, trong đó có các thành phố lớn Kherson và Mariupol.
Tại khu vực Mykolaiv gần chiến tuyến ở phía Nam, Thống đốc Vitaliy Kim kêu gọi sự hỗ trợ quân sự khẩn cấp của phương Tây, sau khi quân Ukraine tại đây hết đạn do phải đối phó với các cuộc tấn công liên tiếp của Nga trong những ngày qua. Ukraine hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mất đi nhiều chỉ huy cũng như binh sỹ dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, trong khi có số lượng xe bọc thép và đạn dược hạn chế. Trái lại, theo nhận xét của tình báo quân sự nước này Nga có thể tiếp tục giao tranh với tốc độ hiện tại mà không cần sản xuất thêm vũ khí hoặc huy động thêm binh lính trong một năm nữa.
Nếu giành quyền kiểm soát Odessa, Moscow sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu tạo ra một vùng lãnh thổ tiếp giáp dọc theo Biển Đen, nằm giữa khu vực ly khai Transnistria ở Moldova và Bán đảo Crimea, để đảm bảo an toàn cho Sevastopol – nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-doi-mat-kho-khan-chong-chat-nguy-co-that-bai-tren-nhieu-mat-tran-post961623.vov