Say tàu xe gây ra tình trạng chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi… Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tình trạng này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu trong những chuyến đi dài bằng ô tô, tàu, thuyền và cả máy bay.
Theo các nghiên cứu, say tàu xe thường gặp ở người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 12. Ngoài ra, bệnh này cũng phổ biến ở những người bị đau nửa đầu hay bị tiền đình. Tình trạng say tàu xe sẽ chấm dứt và bạn sẽ thấy dần ổn hơn khi các phương tiện ngừng chuyển động và bạn bước xuống khỏi tàu xe…
(Ảnh minh họa)
Các triệu chứng say tàu xe
Các triệu chứng có thể xuất hiện bất ngờ kể cả ở người khỏe mạnh chưa từng bị say tàu xe. Khi say tàu xe, bạn có thể cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, đổ mồ hôi lạnh… Các triệu chứng này có thể hiến bạn ngày càng khó chịu nếu đó là một chuyến đi dài.
Có thể ngăn ngừa hoặc tránh say tàu xe không?
Nếu bạn bị say tàu xe thì trước mỗi chuyến đi bạn có thể chuẩn bị một số biện pháp sau để hạn chế và giảm các triệu chứng khó chịu:
- Uống thuốc chống say trước khi lên tàu xe từ 1-2 giờ.
- Chọn chỗ ngồi phù hợp. Với ô tô, hãy ngồi ở các hàng ghế phía trước. Với thuyền, hãy chọn chỗ ngồi ở giữa. Trên máy bay, hãy tránh vị trí gần động cơ. Bạn không nên chọn ghế ngồi ngược và hãy luôn hướng nhìn về đường chân trời phía trước.
- Bạn hãy nằm xuống khi cảm thấy các triệu chứng ngày càng khó chịu.
- Tránh ăn nhiều trước chuyến đi, thay vào đó bạn nên chia nhỏ bữa ăn. Đặc biệt, nên tránh những đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay hoặc có tình axit trước chuyến đi và không nên uống đồ có cồn.
- Khi bạn cảm thấy buồn nôn, hãy ăn một ít, bánh quy giòn và uống nước.
Có cần khám bác sĩ khi bị say tàu xe?
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị say tàu xe liên tục với các triệu chứng nặng. Bác sĩ sẽ có tư vấn các loại thuốc chống say hiệu quả. Đồng thời tìm hiểu tiền sử sức khỏe của bạn trước khi đề xuất biện pháp chống say tàu xe và phương pháp điều trị./.
Theo Thiên Bình/VOV.VN
https://vov.vn/suc-khoe/say-tau-xe-la-benh-kho-dieu-tri-post966683.vov