Cập nhật: 02/09/2022 09:22:00
Xem cỡ chữ

Ung thư dạ dày nằm trong nhóm 3 bệnh ung thư hay gặp nhất tại nước ta, với khoảng 17.500 trường hợp mắc mới hàng năm. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi.

ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày gồm nhiễm HP, các tổn thương bệnh lý nội tại của dạ dày (viêm loét dạ dày điều trị không triệt để, viêm teo dạ dày…). Đặc biệt, bệnh có liên quan đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý như chế độ ăn nhiều muối, nitrat, nitrit nằm trong dưa muối, cà muối…

 

Tỷ lệ sống sau 5 năm với ung thư dạ dày giai đoạn 2 - 1

Với ung thư dạ dày, phẫu thuật đóng vai trò then chốt (Ảnh minh họa: H.K).

Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào nội soi, bấm sinh thiết làm giải phẫu bệnh lý. Để chẩn đoán giai đoạn thì cần thêm các xét nghiệm khác như X-quang phổi, siêu âm bụng, chụp cắt lớp bụng, ngực… từ đó bác sĩ sẽ đưa ra kết luận bệnh nhân đang ở giai đoạn nào.

"Ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng được chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, 2 là khi ung thư còn khu trú tại chỗ, giai đoạn 3 là ung thư đã lan tới tại vùng di căn hạch, giai đoạn 4 là đã có tiến triển di căn xa. Tỷ lệ sống sau 5 năm với giai đoạn 2 là khoảng trên 70%", BS Nam cho biết.

Về điều trị, phẫu thuật là phương pháp đóng vai trò then chốt. Các biện pháp khác như hóa trị, xạ trị đóng vai trò hỗ trợ. Đặc biệt với những người trên 70 tuổi, vai trò của hóa chất, xạ trị không được nhiều, các ảnh hưởng không mong muốn lên các cơ quan nhiều hơn.

"Do vậy, mổ là biện pháp đặt ra trừ trường hợp thể trạng bệnh nhân không đủ để mổ. Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, tuổi càng cao tiến triển của ung thư càng chậm", BS Nam nói.

Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu lâm sàng của bệnh ung thư dạ dày chỉ là các triệu chứng cơ năng không đặc hiệu.

Cụ thể:

- Đầy bụng sau khi ăn, khó tiêu, lúc đầu còn thưa về sau thành liên tục.

- Ăn mất ngon, mới đầu chán ăn thịt mỡ, về sau chán ăn bất kỳ loại thức ăn nào.

- Buồn nôn sau khi ăn, ngày càng tăng rồi nôn, lúc đầu nôn ít sau nôn nhiều với bất kỳ loại thức ăn nào.

- Thay đổi đặc tính cơn đau: đau thượng vị mất chu kỳ, kéo dài hơn, không giảm khi dùng thuốc (loại trước đây cắt cơn đau tốt).

- Thiếu máu (ù tai, hoa mắt) kèm theo đi ngoài phân đen rỉ rả không để ý, tình cờ bác sĩ phát hiện.

- Suy nhược, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân.

Những triệu chứng thực thể khi xuất hiện thường là đã muộn. Chẳng hạn, bác sĩ khám sờ thấy khối u vùng thượng vị, thường ở trên hoặc ngang rốn (có thể thấy ở dưới rốn nếu dạ dày sa), u rắn chắc, nổi rõ sau bữa ăn. Hay bệnh nhân đột nhiên sốt kéo dài, phù hai chân, nôn máu, đi ngoài phân đen, bụng co cứng…

Theo Nam Phương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/ty-le-song-sau-5-nam-voi-ung-thu-da-day-giai-doan-2-20220831214630845.htm