Hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây có liên quan đến việc lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích đã khiến dư luận bức xúc, lo lắng. Từ thực tế trên cho thấy ngoài các biện pháp tăng cường xử lý vi phạm, thì vấn đề nâng cao ý thức, trách nhiệm, cũng như đạo đức của người tham gia giao thông là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần kiềm chế tai nạn giao thông.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, quy định đối với hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông được áp dụng mức xử phạt nghiêm khắc. Qua đó, nhận thức của người dân về việc xử dụng chất kích tích, cũng như ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên, tình trạng say rượu, bia lái xe được kéo giảm đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải tài xế, hoặc người dân nào cũng thực hiện nghiêm túc quy định không sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; do đó, thời gian qua trong cả nước vẫn xảy ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề do tài xế sử dụng các loại chất kích thích trước khi điều khiển phương tiện tham gia gia thông. Đối với Vĩnh Phúc tình trạng vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích khi tham gia giao thông có giảm, xong vẫn còn nhiều trường hợp cố tình vi phạm. Đặc biệt, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy do lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích khi tham gia giao thông, quyết liệt trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn, các loại chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện trên địa bàn tỉnh . Đặc biệt, trong tháng 8/2022, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý gần 500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, cũng như ý thức chấp hành của mỗi người khi ngồi trước vô lăng sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó, góp phần ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn giao thông đến từ việc người điều khiển phương tiện không chấp hành các quy định bảo đảm an toàn giao thông nói chung và sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện nói riêng./.
Trường Giang