Cập nhật: 23/09/2022 07:50:00
Xem cỡ chữ

Trong hàng chục năm qua, không có thêm một loại kháng sinh nào mới xuất hiện, việc lạm dụng kháng sinh đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại Hội nghị Dược lâm sàng 2022 - Quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện diễn ra ngày 22/9 tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.000 nhà khoa học, dược sĩ, bác sĩ đến từ các cơ quan quản lý, các sở y tế, các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo ngành dược bậc đại học trong cả nước, cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc dược và dược lâm sàng đến từ các trường đại học của Hoa Kỳ.

Theo Thứ trưởng Tuyên, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh là rất cần thiết.

Báo động tình trạng người dân cứ ho, sốt là đi mua kháng sinh - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

"Tuy nhiên, sử dụng không hợp lý, lạm dụng khi không cần thiết đã làm tăng tính kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn. Việc đầu tư nghiên cứu cho ra đời kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay đã làm giảm kháng sinh có hiệu quả trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ ra thực trạng nhiều người dân tự đi mua thuốc kháng sinh, thậm chí người bán thuốc có thể "kê đơn" cho người bệnh, điều này cực kỳ nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

"Nhiều người cứ có triệu chứng ho, sốt là bảo nhau mua thuốc kháng sinh uống. Chỉ cần tìm tới một dược sĩ tại một đại lý thuốc bất kỳ, nói lại các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được kê ngay  kháng sinh giảm đau, hạ sốt được chia thành các túi cùng lời dặn uống vào buổi sáng, chiều", ông Tuyên nói.

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội thông tin: "Hơn 30 năm qua, con người vẫn chưa tìm ra nhóm kháng sinh nào mới. Do đó, cách duy nhất để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn là làm thế nào để quản lý và sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả".

Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh kháng kháng sinh là vấn đề của toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở những nước đang phát triển. Thế giới hiện nay mỗi năm có hàng chục người tử vong do kháng thuốc và tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho vấn đề này.

Báo động tình trạng người dân cứ ho, sốt là đi mua kháng sinh - 2

Toàn cảnh Hội nghị.

"Khi kháng kháng sinh, việc sử dụng thuốc không còn hiệu quả, chúng ta dùng gì để điều trị?", vị lãnh đạo nêu vấn đề.

"Do đó, việc quản lý kháng sinh trong các cơ sở y tế là cấp thiết, cấp bách. Năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Năm 2020, Bộ Y tế tiếp tục ban hành hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đây là tài liệu không thể thiếu trong thực hành dược lâm sàng", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Tuyên, không chỉ ngành y tế mà quản lý sử dụng kháng sinh còn là vấn đề liên quan quá trình quản lý nhà nước.

"Chúng ta phải quản lý cơ sở hành nghề dược ra sao, đơn vị khám, chữa bệnh tư nhân, công lập như thế nào… Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng phải chịu một phần trách nhiệm", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại Hội nghị, các chuyên gia trên thế giới và Việt Nam cũng đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai trong thực tế của các chuyên gia trong và ngoài nước xung quanh vấn đề quản lý và sử dụng kháng sinh trong bệnh viện.

TS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng khẳng định: "Những kiến thức, kinh nghiệm được thảo luận và chia sẻ hôm nay sẽ góp phần tăng cường trong quản lý, sử dụng kháng sinh, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh".

Thực hiện chiến lược của Chính phủ trong tăng cường công tác quản lý và sử dụng kháng sinh hợp lý cùng nâng cao vai trò dược sĩ lâm sàng trong điều trị, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội trong hướng dẫn, triển khai đồng loạt tại các bệnh viện trực thuộc về:

- Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý tương tác thuốc và hoạt động dược lâm sàng tại các bệnh viện.

- Từng bước xây dựng và tăng cường hiệu quả của mối quan hệ tam giác giữa bác sĩ - dược sĩ - xét nghiệm trong nâng cao hiệu quả điều trị với chi phí hợp lý của hệ thống y tế tuyến cơ sở.

- Tăng cường năng lực và vai trò dược sĩ lâm sàng trong điều trị đáp ứng nhu cầu hội nhập và thực trạng xã hội.

Theo Minh Nhật/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/bao-dong-tinh-trang-nguoi-dan-cu-ho-sot-la-di-mua-khang-sinh-20220922164626587.htm