Cập nhật: 27/09/2022 09:58:00
Xem cỡ chữ

Viêm da atopy là tình trạng viêm da ở những người có cơ địa dị ứng, hay gặp ở trẻ em. Đây không phải là bệnh nhiễm trùng và không lây lan.

1. Biểu hiện của viêm da atopy

- Ở giai đoạn cấp tính: vùng da có bệnh sẽ phù nề, thậm chí có thể chảy dịch, đóng vảy. Do gãi nên các vết xước gây ra vết trợt và có hiện tượng bội nhiễm tụ cầu tạo ra mụn mủ và đóng vẩy tiết vàng

- Giai đoạn bán cấp: với biểu hiện nhẹ hơn, trên da hình thành các nốt đỏ không rõ ranh giới, các sẩn và đám sẩn dày đặc, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da làm bệnh nhân ngứa và nóng ran tại vùng da bị bệnh.

Khi ngứa, bệnh nhân càng gãi thì phạm vi bệnh càng lan rộng. Các đám ngứa do viêm da atopy thường khu trú ở khu vực trán, má, cằm nặng hơn thì có thể lan ra tay, chân và trên khắp cơ thể

- Giai đoạn mạn tính: Lúc này da của bệnh nhân bị dày da lên, thâm, liken hóa, các vết nứt đau, là hậu quả của việc bệnh nhân gãi nhiều khi ngứa. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay…

- Ngoài ra có thể có thêm một số triệu chứng khác như: viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm kết mạc mắt, bệnh hen… có thể có sốt nhẹ.

Tổn thương viêm da atopy có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. mỗi lứa tuổi lại hay gặp ở một vùng da nhất định: ở trẻ em thường thấy ở mặt, cổ, còn thanh thiếu niên là ở vùng gấp của khuỷu tay, mặt sau đầu gối.

photo-1663924804799

Viêm da atopy nếu không được điều trị hiệu quả sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hại.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa rõ, tuy nhiên có thể đến đến các nguyên do:

- Có tính chất di truyền và yếu tố gia đình: 60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh. Nếu cả bố mẹ đều bị thì có tới 80% con bị bệnh.

- Ngoài ra, các yếu tố làm bệnh khởi phát và nặng lên:

Các dị nguyên trong không khí: rệp nhà, len dạ...

Ngoại độc tố của tụ cầu trùng vàng (Staphylococus aureus) đóng vai trò siêu kháng nguyên kích thích hoạt hóa T limphô và đại thực bào.

Dị ứng nguyên nội sinh (endogenous antigens): trong huyết thanh bệnh nhân có kháng thể IgE có thể kích thích IgE hoặc T limphô đáp ứng viêm.

Do thức ăn: Một số thức ăn cũng có thể làm vượng bệnh như trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mỳ…

Mùa hay bị bệnh thường vào mùa thu đông, nhẹ vào mùa hè. Ðồ len dạ và lông của chó mèo, đồ thảm hoặc đệm giường cũng làm cho bệnh nặng lên.

Để xác định rõ nguyên nhân viêm da atopy, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu. Các bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm trên da của người bệnh.

3. Điều trị thế nào?

Điều trị bệnh viêm da atopy quan trọng nhất là giảm ngứa. Bác sĩ có thể kê một trong các loại thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ để giảm ngứa. Ngoài ra nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất kích thích mạnh như các chất tẩy rửa, các hóa chất công nghiệp...

Các thuốc chứa corticoid bôi tại chỗ cũng giúp làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên bệnh nhân nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không lạm dụng thuốc để tránh các tai biến không đáng có

4. Những biến chứng nguy hại do viêm da atopy

Đề kiểm soát hiệu quả các biến chứng đòi hỏi phải có sự phối hợp kiên trì, khoa học giữa bác sĩ và bệnh nhân. Các bệnh nhân viêm da atopy nếu không có phác đồ điều trị đúng có thể gây nên những hậu quả:

- Ngứa ngáy kéo dài: Viêm da viêm da atopy gây nên những cơn ngứa mãn tính tại vùng da viêm nhiễm, thậm chí còn có khả năng lây lan sang các vùng da lân cận làm bệnh nhân khó chịu, càng gãi thì cơn ngứa càng tăng lâu dần có thể hình thành nên những vùng da đổi màu, khô ráp.

- Bị nhiễm trùng: gãi dẫn đến những tổn thương như trầy xước, chảy máu,... tạo nên môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến nhiễm trùng kéo dài gây bội nhiễm.

- Mất ngủ: ngứa ngáy kéo dài về đêm khiến bệnh nhân bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc.

- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thẩm mỹ

5. Lời khuyên của thầy thuốc

Nhận biết và xử trí khi bị viêm da Atopy - Ảnh 4.

Luôn lau dọn nhà sạch sẽ để phòng bệnh.

Khi bị ngứa tránh chà xát, không gãi.

Bôi kem dưỡng ẩm chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát.

Loại trừ và tránh xa các chất gây dị ứng.

Với trẻ em, cần tắm nhanh, rửa kỹ những nơi bẩn, tránh dùng nhiều xà phòng tránh kỳ cọ nhiều làm da khô thêm. Vào mùa đông, tránh dùng nước quá nóng làm khô da.

Vào mùa đông, không nên dùng điều hòa nhiệt độ, máy sưởi sẽ làm khô da gây ngứa.

Khi mắc bệnh viêm da atopy, cần mặc quần áo rộng, thoáng mát, bằng vải cotton để không ra mồ hôi nhiều, không cọ xát nhiều vào người gây ngứa. Tránh mặc đồ len bó sát người làm da khó chịu.

Đối với trẻ bị mắc bệnh, nếu thấy bé không hợp với sữa bò nên cho bé bú sữa mẹ.

Dọn dẹp nơi ở sạch sẽ. Tránh phơi nhiễm, tiếp xúc đối với các chất gây dị ứng như lông, phân chó mèo, gián, cây trồng trong nhà, bụi, mạt gà...

Tránh dùng các hóa chất xịt thơm, các thuốc xịt ruồi muỗi, sơn mới, gỗ mới...

Tránh hút, hít phải khói thuốc lá, thuốc lào.

Cần giặt quần áo kỹ để xả sạch các chất tẩy, xà phòng giặt.

Theo BS. Nguyễn Lan Anh/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-xu-tri-khi-bi-viem-da-atopy-169220924184605673.htm