Thời điểm này, các trường đại học trên cả nước đang gấp rút để hoàn tất thủ tục nhập học cho thí sinh. So với các năm trước, công tác xét tuyển năm nay được thực hiện theo phương thức trực tuyến hoàn toàn, từ đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển, cho đến xác nhận nhập học.
Đây cũng là lần đầu tiên các trường đại học phải tham gia lọc ảo chung trong cùng một đợt cho tất cả các phương thức xét tuyển. Đảm bảo công bằng cho thí sinh, thuận lợi trong lọc ảo cho các trường là điều mà cả thí sinh và các trường thấy rõ, nhưng vẫn còn nhiều lỗi phát sinh trong công tác tuyển sinh năm nay được nhiều trường kiến nghị điều chỉnh.
Mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học trên cả nước đã áp dụng khoảng 20 phương thức tuyển sinh khác nhau. Để tránh tình trạng thí sinh ảo cho các trường cũng như đảm bảo công bằng cho thí sinh không phải xác nhận nhập học sớm (đối với các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng phương án thực hiện lọc ảo chung cho tất cả các phương thức trong cùng một đợt. Kết quả sau khi thực hiện lọc ảo đợt 1 cho thấy, các trường đều xác định được điểm chuẩn trúng tuyển phù hợp với số chỉ tiêu cần tuyển. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Tài chính, khi thực hiện lọc ảo chung cho tất cả các phương thức, thì tỷ lệ thí sinh ảo gần như bằng không bởi mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất dù xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau.
"Lọc ảo chung cho tất cả các phương thức đối với Học viện Tài chính khi làm đồng thời như thế nó rất thuận lợi ở chỗ là có thể điều chỉnh để đảm bảo tỷ lệ giữa các phương thức"- ông Thạch nói.
Các trường giảm được tỷ lệ thí sinh ảo, còn thí sinh thì được đảm bảo công bằng tối đa khi năm nay không phải xác nhận trúng tuyển sớm như trước, mà làm mất đi cơ hội mong muốn nhất của mình. Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội đánh giá: "Với cách thức này, thí sinh được quyền lựa chọn thay đổi nguyện vọng của mình đến phút cuối cùng và trên thực tế cho thấy thì chỉ khoảng 35% thí sinh là đăng ký nguyện vọng 1 đối với các ngành mà mình đã trúng tuyển bằng xét tuyển kết hợp. Số còn lại đều thay đổi thứ tự nguyện vọng, hoặc là tiếp tục sử dụng điểm tốt nghiệp trung học phổ thông để đăng ký nguyện vọng vào các ngành và các trường mong muốn. Chúng tôi đánh giá đây là cải tiến rất tốt".
Thuận lợi cho các trường và thí sinh là điều thấy rõ, nhưng do năm đầu triển khai nên trong quá trình từ đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển, đến quá trình xét tuyển, lọc ảo đã phát sinh nhiều lỗi từ hệ thống cũng như sự chủ quan của thí sinh. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục phải điều chỉnh thời hạn đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển và cả thời hạn xét tuyển bổ sung so với Quy chế đã ban hành trước đó. Tình trạng một số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhưng lại không có trong danh sách trúng tuyển của trường, thí sinh trúng tuyển cùng lúc nhiều nguyện vọng, hay trượt tất cả các nguyện vọng… đều là những bất cập nảy sinh của tuyển sinh năm nay. Quá trình xét tuyển liên tục xuất hiện lỗi không chỉ khiến thí sinh bối rối mà các trường cũng phải căng mình hỗ trợ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em. Thí sinh Nguyễn Thị Minh Hòa, ở tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Em được xét trúng tuyển thẳng theo phương thức 2, nhưng mà do sai nên là không được báo đỗ trúng tuyển".
Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: "Đến khi có kết quả rồi thí sinh mới phát hiện ra là mình đã bị nhầm, Theo đúng tinh thần là đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trường sẽ hỗ trợ thí sinh trong phạm vi, để cố gắng trả lại đúng nguyện vọng và theo đúng mong muốn của thí sinh".
Tất cả những vấn đề phát sinh trong quá trình đăng ký nguyện vọng, xét tuyển, thậm chí là xác nhận nhập học sau khi đã trúng tuyển đang khiến việc tuyển sinh của các trường bị kéo dài, ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học. Vì thế, đảm bảo quy trình xét tuyển ổn định, tránh những lỗi phát sinh tái diễn là mong muốn của nhiều trường cho các mùa tuyển sinh sau. Bà Đoàn Thị Hương Thủy, Trưởng phòng tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội nêu ý kiến: "Trong năm sau thì chúng ta điều chỉnh một chút về thời gian công bố, rồi hướng dẫn cho thí sinh để các bạn ấy không có những sai lầm giống như năm nay. Năm nay tất cả mọi thứ cũng đều chậm và muộn hơn so với năm trước, cho nên là kể cả các trường cũng như là thí sinh cũng đang rơi vào thế bị động và cũng lúng túng".
Giáo sư Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu: "Bộ nên tính toán thời lượng hợp lý, vừa đủ để thí sinh cân nhắc đăng ký xét tuyển, thì sau này nhập học đối với các trường và tổ chức đào tạo sẽ phù hợp với thời gian đào tạo chung. Nếu quay về được cuối tháng 8 thì các việc tổ chức đào tạo nó cũng sẽ tương tự như các năm học khác".
Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, từ thực tế quá trình xét tuyển năm nay, Bộ đã có phương án điều chỉnh để giảm bớt các lỗi phát sinh từ hệ thống và tạo thuận lợi hơn cho thí sinh: " Làm sao giao diện phần mềm nó đơn giản hơn chút nữa và có cơ chế để ngăn chặn những cái lỗi của thí sinh để thí sinh có sai, hệ thống sẽ cảnh báo và ngăn chặn. Đó là cái mà chúng tôi sẽ nghiên cứu, để giao cho Cục Công nghệ thông tin nghiên cứu để bổ sung".
Vì là năm đầu tiên áp dụng quy trình xét tuyển trực tuyến, nên để đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra giải pháp tình thế là vẫn cho các thí sinh có sai sót được tham gia xét tuyển. Để tránh tái diễn tình trạng này trong tuyển sinh đại học năm tới, các chuyên gia cho rằng, ngoài sự chủ động khắc phục từ hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT cũng cần có sự chung tay, có trách nhiệm hơn trong quá trình đăng ký từ phía thí sinh./.
Theo Minh Hường/VOV1
https://vov.vn/xa-hoi/tuyen-sinh-2022-nhieu-van-de-can-khac-phuc-post973535.vov