Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến của món ăn này đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Trong đó, để khử độc, người ta phải hầm cháo suốt 8-9 tiếng, tạo nên thứ đặc sản thơm ngon, tốt cho sức khỏe nức tiếng vùng địa đầu Tổ quốc.
Hà Giang không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nhiều điểm check-in đẹp ngỡ ngàng mà còn hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực độc đáo, có nhiều món ăn "độc nhất vô nhị".
Ngoài những đặc sản như phở chua, bánh tam giác mạch, thắng cố, phở gà Tráng Kìm,... thực khách đến Hà Giang còn truyền tai nhau một món ngon lạ lùng từ cái tên đến cách chế biến, thưởng thức. Đó chính là cháo ấu tẩu.
Món cháo này ban đầu là món ăn giải cảm của người Mông nhưng lâu dần trở thành đặc sản được nhiều thực khách yêu thích. Sở dĩ món ăn có tên là cháo ấu tẩu bởi nó được chế biến từ gạo nương và chân giò lợn, nấu cùng củ ấu tẩu và tạo thành món ăn độc đáo.
Cháo ấu tẩu được ví như "độc dược" nhưng gắn bó với cuộc sống của bao thế hệ người dân Hà Giang và nay trở thành đặc sản được nhiều thực khách gần xa yêu thích (Ảnh: @zhuhubing).
Củ ấu tẩu (hay còn gọi là ô đầu, phụ tử) thường có ở các tỉnh phía Bắc nước ta, chủ yếu mọc ở vùng núi cao, khí hậu lạnh. Theo y học, ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng nên thường được dùng để chữa bệnh như ngâm đem ngâm, làm rượu xoa bóp chân, chữa đau nhức hoặc giải cảm,...
Tuy nhiên, củ ấu tẩu rất độc, được xếp vào danh mục thuốc độc bảng A nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược" (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi bào chế cẩn thận. Bởi vậy, loại củ này đòi hỏi quá trình sơ chế kỳ công và tốn nhiều thời gian.
Cũng bởi tính độc dược có trong củ ấu tẩu mà người địa phương còn gọi món ăn này là "cháo độc dược" hay "cháo chết người".
Bề ngoài củ ấu tẩu rất giống củ ấu miền xuôi nhưng là hai loại hoàn toàn khác biệt. Củ ấu tẩu rất cứng và độc nên phải người giàu kinh nghiệm mới có thể chế biến được loại củ này (Ảnh: Giang Hà).
Để “hóa giải” độc dược trong củ ấu tẩu và chế biến nên món cháo bổ dưỡng, người ta phải sơ chế sạch loại củ này bằng cách bỏ vỏ, ngâm trong nước gạo một đêm rồi ninh 4-5 tiếng cho mềm nhừ, bở tơi và tán nhuyễn thành hỗn hợp bột sền sệt.
Sau đó, tiếp tục nấu hỗn hợp củ ấu tẩu với gạo tẻ và nước hầm xương từ chân giò lợn, thêm tí gạo nếp cho đặc sánh, dậy mùi thơm. Để cháo nhừ và sánh nhuyễn, người ta đun cháo chừng 2-3 tiếng trên lửa nhỏ liu riu, lúc nào cũng bốc hơi sùng sục.
Do củ ấu tẩu có độc tính cao nên một nồi cháo to chỉ cần sử dụng vài củ, đảm bảo món ăn có hương vị thơm ngon và phát huy công dụng (Ảnh: Nguyễn Hồng Thu Trang).
Quá trình chế biến món ăn từ khâu ninh củ ấu tẩu đến hầm cháo với chân giò lợn tốn thời gian khoảng 9 tiếng đồng hồ (Ảnh: Quang Vinh).
Để biết cháo đã ăn được hay chưa, người nấu sẽ nếm thử một lượng nhỏ, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng... thì có nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc, chưa thể ăn. Chỉ khi không thấy tê đầu lưỡi tức là cháo đã chín, có thể thưởng thức.
Cháo ấu tẩu được ăn kèm thịt nạc băm, cho thêm quả trứng gà cùng với ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô để tăng thêm hương vị (Ảnh: Lê Quý).
Món cháo này ngon và bổ dưỡng nhất khi thưởng thức lúc còn nóng hổi, ăn kèm thịt băm, các loại rau thơm, tiêu hoặc măng chua. Bên cạnh vị bùi, béo ngậy và dễ nhận ra bát cháo hơi đắng, lạ miệng.
Khi ăn, múc cháo ra bát, đập thêm trứng gà tươi và cho một số loại rau thơm như hành, tía tô vào trộn đều. Cháo ấu tẩu nấu xong có màu nâu đậm, trông tựa như bát cháo lòng của người miền xuôi nhưng ăn bùi, béo, hơi đắng nhẹ và dậy mùi thơm đặc trưng.
Mỗi bát cháo ấu tẩu ở Hà Giang có giá khoảng từ 30.000 - 40.000 đồng (Ảnh: @tuan.hao.2505).
Ai chưa quen sẽ thấy món cháo ấu tẩu khó ăn, vị đắng như tam thất. Nhưng thực khách ăn nhiều lần lại cảm nhận được cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với vị ngọt thanh của nước xương ninh và mùi thơm ngậy của trứng gà.
Cháo ấu tẩu có quanh năm nhưng đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Bởi theo kinh nghiệm lâu năm của người địa phương, món cháo này phát huy tác dụng tốt nhất vào giấc ngủ đêm.
Theo người dân địa phương, cháo ấu tẩu có công dụng giúp thư giãn gân cốt, giảm đau xương nhức cơ và hồi phục sinh lực (Ảnh: Lê Quý).
Những người trung tuổi ăn cháo ấu tẩu để bồi bổ xương cốt, còn với du khách đường xa, người buôn bán tứ xứ lại coi món ăn này như liều thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc, lấy lại giấc ngủ sâu và khoan khoái sau ngày dài lao động vất vả.
Nếu có dịp ghé thăm Hà Giang, du khách có thể tìm kiếm và thưởng thức món cháo ấu tẩu tại một số địa chỉ như quán Hương (Quốc lộ 2, TP. Hà Giang), quán Hoa Thế (QL4C, Thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc), quán cháo Ấu Tẩu Ngân Hà (161 Trần Hưng Đạo, Trần Phú, TP. Hà Giang), cháo ấu tẩu Hà Loan (Tổ 2, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh),...
Theo Phan Đậu/vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/mon-chao-doc-duoc-chi-ban-buoi-toi-che-bien-gan-9-tieng-moi-ra-lo-o-ha-giang-2062929.html