TS Nguyễn Quang Bảy cho biết, cứ vào dịp mùa đông hằng năm, Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai lại nhận rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân nhập viện. Thường các trường hợp này vào viện trong tình trạng rất nặng, nhiều người phải cắt cụt chân.
(Ảnh minh họa)
Biến chứng đái tháo đường vào mùa đông
Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 47 tuổi, bị đái tháo đường đã 20 năm, và có biến chứng thần kinh ngoại vi gây tê bì nhiều 2 bàn chân.
TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết-Đái tháo đường cho biết, cách đây 1 tháng, bệnh nhân dùng đèn chiếu tia hồng ngoại vào chân cho đỡ tê và sau 1 vài lần chiếu đèn thì bệnh nhân bị bỏng vùng gan bàn chân. Khi ổ loét xuất hiện và lan rộng toàn bộ bàn chân và các ngón chân, bệnh nhân vẫn không đi khám mà tự mua kháng sinh về uống.
Khi bàn chân sưng nề to, chảy mủ và quá mệt thì bệnh nhân mới vào viện trong tình trạng quá nặng: Sốt cao 39 độ, bàn chân chảy mủ, thiếu máu nặng và đường huyết thì rất cao và có biến chứng thận.
"Bệnh nhân này chắc sẽ phải nằm viện lâu dài, điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém mà bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế", bác sĩ Bảy cho hay.
Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng vừa tiếp nhận ca bệnh hoại tử chi do tự tiêm kháng sinh, đắp thuốc lá vào vết loét ngón chân. Người bệnh gần 70 tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, mệt mỏi, ngón chân loét, mưng mủ, nhiều tổ chức hoại tử bốc mùi, đau nhức.
Chỉ số bạch cầu tăng cao, đường huyết vượt ngưỡng, chạm mức nguy hiểm, có nguy cơ phải cắt cụt chi. Bệnh nhân phải điều trị kháng sinh gấp, điều chỉnh liều insuline và xử lý tổn thương tại vị trí nhiễm trùng. Ông cũng được cắt lọc, nạo vét các tổ chức hoại tử mỗi ngày.
Mỗi tháng tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận và điều trị rất nhiều ca mắc đái tháo đường có biến chứng bàn chân. Đặc biệt, nhiều trường hợp tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc hoặc tự ý điều trị kháng sinh, dẫn đến nhiễm trùng nặng.
Bệnh nhân vẫn chủ quan không đi khám ở bệnh viện do nghĩ vết thương nhỏ có thể tự lành. Trong khi bàn chân, ngón chân là bộ phận tiếp xúc nhiều với bụi nền đường và nước bẩn, nguy cơ nhiễm trùng rất cao, tình trạng hoại tử lan rộng có thể xảy ra, thậm chí phải cắt cụt chi, đe dọa đến tính mạng.
Mới đây, bệnh nhân Phạm Thị Q. 40 tuổi ( tỉnh Quảng Ninh, làm nghề đánh bắt cá trên biển) được chuyển tuyến lên Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng nhiễm trùng bàn cẳng chân lan rộng do biến chứng thần kinh ngoại vi-đái tháo đường mất cảm giác bàn chân và không được điều trị kịp thời.
Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, hoại tử; sốt trên 38 độ C và có những cơn rét run.
Sau khi tiếp nhận, tình trạng bệnh diễn biến nhanh và xấu, vết loét hoại tử lan rộng lên trên đùi và một phần bộ phận sinh dục; nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, viêm phổi, suy tim, suy kiệt cơ thể, biến chứng thần kinh ngoại vi, rối loạn chuyển hóa lipid.
Người bệnh đái tháo đường đừng bỏ qua dấu hiệu nhỏ
GS, TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết-Đái tháo đường Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người.
Tuy nhiên, có khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, trong khi chưa tới 30% số người được chẩn đoán điều trị tốt. 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.
Đái tháo đường tuýp 1 thường có các dấu hiệu điển hình như đói và mệt; đi tiểu thường xuyên và khát hơn; khô miệng, ngứa da; sút cân nhiều, thị lực giảm. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là ở đối tượng trẻ, thanh thiếu niên.
Với tuýp 2, bệnh nhân đái tháo đường diễn biến rất âm thầm thậm chí không có triệu chứng. Bệnh nhân thường là người trưởng thành, có dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành.
Bác sĩ Bảy khuyến cáo, với người bị đái tháo đường, khi có biến chứng tê bì bàn chân phải nhớ tuyệt đối không được chườm ấm, chiếu đèn hay ngâm chân vào nước nóng vì do cảm giác không chính xác nên rất dễ bị bỏng và loét.
Khi có bất kỳ dấu hiệu bàn chân bị loét, sưng hay chỉ là những mụn phỏng nước nhỏ… cũng phải đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết ngay để được điều trị toàn diện biến chứng bàn chân.
"Trường hợp bệnh nhân trên kiểm soát đường huyết kém, HbA1C là 14,6% (gấp gần 3 lần mức bình thường) sẽ làm giảm sức đề kháng nên có sử dụng rất nhiều kháng sinh tốt nhất cũng không thể liền được vết loét. Kiểm soát tốt đường huyết là điều kiện tiên quyết để giúp bệnh nhân vượt qua các biến chứng đái tháo đường", bác sĩ Bảy nhấn mạnh.
Khi có vết loét hoặc nhiễm trùng bàn chân, kiểm soát đường huyết và kháng sinh là chưa đủ. Chăm sóc tại chỗ bao gồm cắt lọc, dẫn lưu vết loét hay giảm tải chỗ loét cũng cực kỳ quan trọng.
Theo THIÊN LAM/nhandan.vn
https://nhandan.vn/canh-bao-bien-chung-ban-chan-do-dai-thao-duong-post719216.html