Nhẹ dạ cả tin, nhiều tân sinh viên dễ dàng sập bẫy trước hàng loạt chiêu thức lừa đảo tinh vi của các đối tượng xấu.
Chủ nhà trọ tăng giá bất hợp lý, quỵt tiền
Nhiều quảng cáo cho thuê phòng trọ không ghi thông tin chi tiết (Ảnh: Quang Trường).
Em Đoàn Thị Vi (sinh viên năm thứ ba trường Đại học Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, hồi còn là tân sinh viên do tâm lý vội vàng nên em đã phải chấp nhận ở tạm một phòng trọ không phù hợp ở khu vực Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Sau một thời gian ngắn, do không hài lòng với chi phí phòng ở bất ngờ bị đội giá, Vi quyết định không thuê nữa và yêu cầu hoàn trả lại tiền cọc nhưng chủ nhà nhất quyết không chịu hoàn lại số tiền 2,5 triệu đồng dù đã có thỏa thuận từ trước.
"Chủ nhà trọ đã giao hẹn với em rằng sẽ hoàn lại tiền cọc cho em bất cứ lúc nào em có ý định rời đi nhưng sau đó lại "đổi trắng thay đen" và còn đe dọa, xúc phạm khiến em cảm thấy lo sợ vì em chỉ mới là sinh viên năm thứ nhất ở thời điểm đó", Đoàn Thị Vi kể lại.
"Công cuộc đi tìm một phòng trọ ưng ý và giá cả hợp lý chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là đối với tân sinh viên", Vi chia sẻ. Rút kinh nghiệm từ trước, lần này Vi đã thỏa thuận và kiểm tra rõ ràng về thời gian hoàn trả tiền cọc khi di chuyển đến nơi ở mới.
Tuy nhiên lại một lần nữa, Vi bị chiếm đoạt một triệu đồng tiền cọc với lý do bồi thường cơ sở vật chất cho bức tường trong phòng dù Vi không hề làm hư hại. Nữ sinh cho biết, cô buộc phải chấp nhận mất tiền do ban đầu chủ quan, không xác nhận hiện trạng phòng ốc để rồi khi rời đi bị "bắt chẹt" như vậy.
Yêu cầu đặt cọc tiền trước cho công việc làm thêm
Tìm kiếm một công việc làm thêm phù hợp với lịch học trên trường, có mức thu nhập ổn định là dự định của rất nhiều tân sinh viên khi mới bắt đầu cuộc sống tự lập.
Nắm bắt tâm lý ấy, các đối tượng lừa đảo thường xuyên đăng những lời quảng cáo về việc làm online tại các hội nhóm tìm việc làm thêm trên mạng xã hội.
V.Đ, sinh viên trường Đại học Y Dược Hà Nội bức xúc kể: "Em đến đặt cọc 370.000 đồng ở một văn phòng tuyển cộng tác viên bán mỹ phẩm mà em đã liên hệ từ trước qua Facebook. Tiền đã đặt cọc rồi nhưng về sau, em có liên tục gọi điện và nhắn tin trong nhiều ngày cho văn phòng để trao đổi chi tiết về công việc thì không thể liên lạc được.
Sau đó, em xác định là mất số tiền đó rồi. Tuy chỉ là số tiền nhỏ nhưng lúc đó, số tiền này là để em chi tiêu đến hết tháng nên bị lừa khiến em vừa buồn vừa giận".
Đây là chiêu thức quen thuộc của những kẻ lừa đảo. Chúng thường yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền cọc trước rồi mới được nhận việc. Ngay khi nhận được tiền, các đối tượng sẽ mất hút, đến lúc đó nạn nhân mới nhận ra là mình bị rơi vào bẫy, không những không nhận được khoản tiền nào mà còn bị mất số tiền cọc ban đầu.
Chỉ cần các tân sinh viên sơ sẩy và chưa tìm hiểu kỹ lưỡng về công việc thì sẽ khó tránh khỏi việc dính bẫy mà bọn lừa đảo đã giăng sẵn.
Người lạ bắt chuyện, nhờ vả
Minh Yến (tân sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQGHN) vẫn chưa hết ngỡ ngàng sau cú lừa của một người đàn ông lạ mặt, chỉ vì sự ngây thơ của mình.
Yến nhớ lại: "Trên đường từ trường về nhà sau khi kết thúc sự kiện tại trường, em đột ngột bị một chú dúi vào tay tờ hóa đơn rồi nhờ em đến gặp kế toán công ty gần đấy để nhận hộ 77 triệu đồng.
Tiếp đó chú bảo sợ em cầm tiền đi mất, chú có bảo em trao đổi điện thoại và chìa khóa xe của cả hai để giữ làm tin. Em cũng không biết tại sao lúc đó mình lại dễ dàng tin và làm theo như thế".
Sau đó, Yến tiếp tục đi đến nơi được chỉ dẫn thì phát hiện không hề có công ty hay người nào giống với mô tả của kẻ lừa đảo. Yến hốt hoảng, lập tức quay lại chỗ cũ thì phát hiện cả người và xe đều đã biến mất không dấu vết. Lúc này thì Yến biết mình đã bị lừa, mất trắng chiếc điện thoại. Trong tay chỉ còn tờ hóa đơn giả và chiếc chìa khóa xe sơ cua mà kẻ lừa đảo đưa cho.
Để tránh "tiền mất tật mang", tân sinh viên cần làm gì?
Nhiều tân sinh viên không khỏi choáng váng trước quá nhiều cạm bẫy lừa đảo vây quanh (Ảnh minh họa: Tố Linh).
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối cho biết, có rất nhiều sinh viên đã bị rơi vào ma trận của các hình thức lừa đảo này. Mặc dù có nhiều người đã chia sẻ kinh nghiệm cảnh báo trên mạng xã hội nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo ông Hùng, để đảm bảo quyền lợi của mình, tân sinh viên cần phải tỉnh táo. "Đối với trường hợp đi thuê trọ, sinh viên cần kiểm tra rõ ràng về thông tin cá nhân, họ là chủ sở hữu nhà ở hay người được ủy quyền giao dịch, rồi mới tiến hành tạo lập hợp đồng.
Chú ý là thông tin cơ bản của các bên và đảm bảo các vấn đề thỏa thuận liên quan cần phải được ghi rõ ràng trong hợp đồng thuê nhà như: họ tên của cá nhân và địa chỉ của các bên, mô tả địa điểm, đặc điểm của nhà ở giao dịch, phần sử dụng chung, sử dụng riêng đúng mục đích hay giá cho thuê và giá các dịch vụ kèm theo như thế nào.
Xem xét rõ thời hạn và phương thức thanh toán, thời gian giao nhận nhà ở, thời hạn cho thuê, quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trước khi giao và nhận nhà trọ. Ngoài ra người thuê trọ cần phải kiểm tra tổng quan nhà ở, các đồ đạc dụng cụ xem có mức độ an toàn và tình trạng sử dụng ra sao.
Đối với vấn đề bất kỳ công việc nào, bạn chưa đi làm, chưa nhận lương mà được yêu cầu ứng trước tiền cọc sau đó mới được làm việc thì ngay lập tức dừng trao đổi, để bảo vệ bản thân mình.
Nếu nhận thấy các hành vi có dấu hiệu lừa đảo thì các tân sinh viên nên trình báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời", ông Hùng lưu ý thêm.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nhung-chiec-bay-lua-dao-giang-san-nham-vao-tan-sinh-vien-20221013112422277.htm