Cập nhật: 21/10/2022 08:56:00
Xem cỡ chữ

Mụn trứng cá mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sự tự tin, đặc biệt là ở giai đoạn tâm lý tuổi mới lớn.

1. Nguyên nhân gây mụn trứng cá tuổi dậy thì

Mụn trứng cá tuổi dậy thì do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên chủ yếu có liên quan đến rối loạn nội tiết tố. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ dẫn đến mụn trứng cá gồm: Chế độ ăn uống không hợp lý, chăm sóc da hàng ngày không khoa học, ảnh hưởng từ môi trường sống và đặc biệt là chế độ sinh hoạt không điều độ.

Thông thường, người ta thấy mụn trứng cá hay gặp ở độ tuổi 14 - 15 và giảm dần khi đến tuổi 20. Mụn trứng cá tuổi dậy thì thường xuất hiện ở mặt, ít khi xuất hiện ở cổ, vai, lưng hay ngực.

Các nghiên cứu thường thấy mụn xảy ra phổ biến hơn ở nam giới với tỉ lệ là 61% và tình trạng mụn cũng thường nặng nề hơn. Giải thích vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng do nội tiết tố nam Androgen ở lứa tuổi dậy thì gia tăng nồng độ nội tiết tố sinh dục mạnh mẽ hơn và đây là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến cơ chế bệnh sinh nêu trên.

Tuy nhiên, ngay cả một số nữ giới cũng có sự gia tăng nồng độ Androgen trong máu. Chính vì vậy, nội tiết tố này kích thích tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu vào các lỗ chân lông, đồng thời làm nang lông dày lên gây bít tắc. Ghi nhận cho thấy vùng mặt, lưng, ngực và cổ là nơi tập trung nhiều tuyến bã nhờn, thường gây tình trạng bít tắc nặng nề, nên là nơi nhiều mụn hơn.

Các nghiên cứu cho thấy, ở lứa tuổi dậy thì nếu ăn nhiều đường, dầu mỡ, bơ, ăn ít rau xanh, trái cây và uống ít nước, cộng thêm lứa tuổi này thường hay căng thẳng trong học tập, áp lực thi cử… nên tuyến nhờn sẽ tiết nhiều dầu hơn.

Vì sao tuổi dậy thì thường bị mụn trứng cá và cách phân loại mụn - Ảnh 2.

Mụn trứng cá tuổi dậy thì do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên chủ yếu có liên quan đến rối loạn nội tiết tố.

2. Phân loại mụn trứng cá

Ở tuổi dậy thì mụn trứng thường được chia ra các dạng sau

Mụn trứng cá đầu trắng: Đây là dạng mụn trứng cá có đầu kín và hình thành do lỗ chân lông bị tác động bởi dầu nhờn là chủ yếu.

Mụn trứng cá đầu đen: Mụn trứng cá đầu đen là dạng mụn có đầu hở. Nhân mụn trứng cá bị lộ ra bên ngoài và bị phản ứng oxy hóa biến thành màu đen.

Dạng sẩn, mụn mủ hoặc nốt sần: Đây là các tổn thương nghiêm trọng hơn, xuất hiện màu đỏ, sưng do viêm hoặc nhiễm trùng các mô xung quanh các nang bị tắc… gây ra tình trạng đau và cảm thấy cứng.

Dạng u nang: Đây là mụn nhọt sâu, có mủ, dạng mụn trứng cá này có khả năng gây đau, viêm da, nhiễm trùng da. Nếu trẻ nặn không đúng cách sẽ khiến da bị tổn thương và nguy cơ hình thành sẹo lõm là rất cao.

3. Bí quyết chăm sóc mụn trứng cá tuổi dậy thì

Việc chăm sóc tại nhà để hạn chế mụn trứng cá tuổi dậy thì là vô cùng quan trọng. Điều này là bước đầu tiên để giúp cho các thanh thiếu niên có thể ngăn chặn sự phát triển của trứng cá.

Việc chăm sóc này còn giúp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây sẹo rỗ, sẹo lõm hay các vết thâm sẹo. Ngay cả khi mụn trứng cá đã được chữa trị thì việc chăm sóc tại nhà vẫn cần được tiếp diễn, bởi đây là điều trị dự phòng mụn trứng cá tái phát.

Vì sao tuổi dậy thì thường bị mụn trứng cá và cách phân loại mụn - Ảnh 3.

Để có da sạch sẽ cần rửa mặt 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối với sữa rửa mặt dịu nhẹ.

Nhiều người cho rằng tuổi dậy thì có mụn là do tâm sinh lý, sẽ hết khi qua tuổi này, không phải điều trị gì. Đây là quan niệm sai lầm, mụn trứng cá dậy thì có thể tự khỏi, nhưng hậu quả để lại sẽ là da bị sẹo rỗ, thâm mụn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Vì vậy, việc điều trị mụn trứng cá càng sớm càng tốt, để không còn bận tâm với hệ quả do mụn gây ra.

Cần thăm khám để đánh giá xem mụn của mình thuộc loại nào, để chăm sóc tại nhà cho phù hợp.

Tiếp theo phải chú ý để đảm bảo da mặt luôn sạch, vì nguyên nhân mụn trứng cá không chỉ ở hoạt động của tuyến bã nhờn, mà còn xuất phát từ việc chân lông bị bít tắc, khiến cho vi khuẩn phát triển. Chính vì vậy, cần giữ vệ sinh da sạch sẽ để hạn chế mụn trứng cá. Nếu để da bẩn sẽ có nguy cơ bị mụn cao hơn hoặc khiến cho tình trạng mụn nặng hơn rất nhiều lần.

Để có làn da sạch sẽ cần rửa mặt 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối với sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp với da. Cần tẩy trang, loại bỏ toàn bộ tế bào chết trên da… sẽ giúp chân lông được thoáng hơn thông qua việc loại bỏ lớp da chết. Tuyệt đối không sờ tay lên da hoặc cố tình cạy nặn mụn.

Không tự ý sử dụng thuốc trị mụn, việc sử dụng thuốc nào, bôi liều lượng ra sao cần có hướng dẫn tư vấn của bác sĩ da liễu. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trị mụn.

Ngoài ra, để hạn chế mụn và phòng tránh tái phát cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, hợp lý bằng cách ít ăn đồ ngọt, chất béo, đồ chiên rán và cần ăn nhiều trái cây tươi, nhất là những loại quả có màu đỏ như dâu tây, dưa hấu... Cần ngủ đúng giờ, tránh thức khuya, hạn chế stress và mất ngủ.

Khi ra nắng cần đeo khẩu trang, đội mũ rộng vành bằng vải màu sậm, dùng kem chống nắng… Thực hiện tái khám định kỳ theo lời dặn của bác sĩ da liễu.

Để mụn trứng cá ở tuổi dậy thì không còn là nỗi ám ảnh, cần tuân thủ theo chế độ điều trị thích hợp, Mỗi người phải có một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi thật hợp lý, lành mạnh, phù hợp với cơ địa của mình.

Theo BS Trần Thu Hương/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-tuoi-day-thi-thuong-bi-mun-trung-ca-cach-cham-soc-the-nao-169221017171907906.htm