Cập nhật: 04/11/2022 08:06:00
Xem cỡ chữ

Mềm sụn thanh quản là một bất thường bẩm sinh của sụn thanh quản, chiếm khoảng 60% các bất thường bẩm sinh của thanh quản. Bệnh gây nên tiếng thở rít, khò khè ở trẻ, nên dễ bị nhầm lẫn với ngạt mũi.

1. Nguyên nhân gây bệnh mềm sụn thanh quản ở trẻ

Mềm sụn thanh quản ở trẻ hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng: Đây là một bất thường bẩm sinh, khiến cho vùng thượng thanh môn sẽ bị hẹp lại trong khì hít vào, điều này gây ra hiện tượng tắc nghẽn tại đường hô hấp trên từng cơn và tiếng rít thanh quản. Người ta ghi nhận được mối quan hệ của bệnh mềm sụn thanh quản và trào ngược dạ dày thực quản, bởi có 80 - 100% trẻ mắc bệnh mềm sụn thanh quản có kèm trào ngược dạ dày thực quản.

Điều này cho thấy mềm sụn thanh quản là bất thường cấu trúc nắp phễu thanh âm, nắp thanh và do đường dẫn truyền thần kinh chưa trưởng thành đầy đủ.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh mềm sụn thanh quản - Ảnh 2.

Mềm sụn thanh quản là một bất thường bẩm sinh của sụn thanh quản. Ảnh minh hoạ.

2. Biểu hiện mềm sụn thanh quản ở trẻ

Do là bất thường cấu trúc nên ngay từ khi chào đời trẻ đã bắt đầu khò khè từng nhịp thở. Các cơn thở đều khò khè và ngắt quãng những lúc hít vào, điều này khiến cha mẹ lầm tưởng trẻ bị viêm mũi, ngạt mũi, tắc mũi. Tuy nhiên, không thấy có dịch tiết ở mũi và khi khám không có tổn thương nào.

Khi nằm ngửa trẻ thở khò khè và tăng nặng khi trẻ khóc quấy, có thể kèm theo viêm đường hô hấp. Ở một số trường hợp nặng hơn, trẻ thường chậm tăng cân, khó bú mẹ, ngừng thở đột ngột vài giây, lồng ngực và cổ co kéo khi hít hơi vào, da tái. Những triệu chứng cấp này thường kéo dài trong 8 tháng tuổi đầu đời, sau sẽ tự hết dần.

Với trẻ mắc bệnh, biểu hiện cơn khò khè sẽ ngắt quãng mỗi khi trẻ hít vào, âm sắc của tiếng thở khò khè của trẻ có thể cao giống như tiếng thở rít. Tình trạng khò khè tăng khi đặt trẻ nằm ngửa, lúc trẻ bứt rứt quấy khóc, hoặc khi có viêm đường hô hấp trên kèm theo. Trẻ vẫn chơi và bú như bình thường, trừ những lúc có viêm thanh quản kết hợp, sẽ có các biểu hiện nặng hơn.

Với trẻ mềm sụn thanh quản có kèm mắc trào ngược dạ dày thực quản, nguyên nhân được cho là do nghẽn tắc tại một phần của thanh môn khi trẻ gắng sức hít vào, khiến cho thức ăn trong dạ dày ở khoang bụng trẻ dễ bị trào ngược lên thực quản. Và trẻ bị trào ngược dạ dày - thực quản nặng sẽ có các thay đổi về mặt cấu trúc bệnh học tương tự như mềm sụn của thanh quản, đặc biệt là sưng và phình sụn phễu.

Ngoài các biểu hiện trên, trẻ mềm sụn thanh quản có thể bị sặc, ho, thời gian bú kéo dài, nôn tái phát, khó nuốt, sụt cân. Thậm chí có trường hợp ngưng thở, co kéo lồng ngực khi trẻ hít vào mạnh, tím tái, ợ dịch chua trong dạ dày

Thông thường các biểu hiện sẽ tăng nặng trong vòng vài tháng đầu, thường là từ 4 - 8 tháng tuổi. Tuy nhiên, đại đa số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ hết các triệu chứng khi được 12 - 18 tháng.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh mềm sụn thanh quản - Ảnh 4.

Khi trẻ mắc bệnh mềm sụn thanh quản, cơn khò khè sẽ ngắt quãng mỗi khi trẻ hít vào. Ảnh minh hoạ.

3. Cần làm gì khi trẻ mắc mềm sụn thanh quản?

Nếu trẻ mắc mềm sụn thanh quản không được chăm sóc đúng, có thể có những biến chứng nguy hiểm, trong đó có thể là tắc nghẽn đường dẫn khí nặng, gây nguy hiểm tính mạng, gặp tai biến của phẫu thuật chỉnh hình thượng – thanh - môn, mở khí quản. Trẻ có thể sẽ chậm tăng cân, viêm phổi do hít.

Hiện mềm sụn thanh quản không có phương thuốc đặc trị, cha mẹ có thể cho trẻ bổ sung vitamin D, canxi theo sự tư vấn của các bác sĩ. Để chăm sóc tốt và hạn chế biến chứng khi chăm sóc trẻ, cha mẹ nên lưu ý những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Cần hạn chế cho trẻ nằm ngửa

Do hẹp đường thở, dưới tác dụng của trọng lực, lớp mô sụn thanh quản càng sa vào khiến trẻ thở khò khè hơn. Nên đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ cần cho trẻ nằm nghiêng, thi thoảng lại trở mình cho trẻ cho đỡ mỏi người, còn với trẻ lớn hơn, trẻ sẽ tự nằm theo tư thế mà trẻ cảm thấy dễ thở nhất.

Nguyên tắc 2: Cho trẻ bú đúng cách

Do tình trạng bệnh, một số trẻ sẽ rất khó bú. Vì thế, mẹ cần phải chú ý khi cho trẻ bú để điều chỉnh lượng sữa vừa với sức bú của trẻ, tránh hiện tượng sặc sữa rất nguy hiểm.

Nguyên tắc 3: Cần vệ sinh mũi họng trước khi ngủ

Do có vấn đề về đường thở, vì vậy trước khi đi ngủ, cha mẹ nhớ làm vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý, để mũi trẻ được thông thoáng, giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Bởi mềm sụn thanh quản trẻ hay thở bằng miệng khi ngủ, cha mẹ nên thoa bôi kem dưỡng môi cho trẻ để tránh hiện tượng môi khô, nứt nẻ, trẻ bú sẽ rất khó khăn.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh mềm sụn thanh quản - Ảnh 5.

Nếu trẻ mắc mềm sụn thanh quản không được chăm sóc đúng có thể có những biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh hoạ.

Nguyên tắc 4: Cần tăng cường sức đề kháng

Do có vấn đề về đường thở nên việc hạn chế tối đa các bệnh liên quan đến đường hô hấp đối với trẻ mắc bệnh là vô cùng quan trọng. Bởi trẻ bị mềm sụn thanh quản càng thở khò khè hơn khi mắc thêm các bệnh này. Đến thời kỳ trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, cha mẹ nên bổ sung thêm các thực phẩm có chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh viêm đường dẫn khí hô hấp thông thường.

Nguyên tắc 5: Cần khám định kỳ

Do trẻ mắc bệnh nên việc chú ý khám và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ theo định kỳ là rất cần thiết. Trẻ mắc bệnh mềm sụn thanh quản dẫn đến sụt cân, ngưng thở, bỏ bú... thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Nguyên tắc 6: Cần có một chế độ sinh hoạt khoa học

Nhiều người thường lo lắng quá nên khi trẻ ăn dặm rất kiêng khem, điều này là không cần thiết. Cha mẹ cần chú ý không cần kiêng cữ bất cứ loại thức ăn nào, cũng như không cần hạn chế bất cứ hoạt động tăng cường thể chất nào của trẻ. Cho trẻ tiêm chủng bình thường để phòng tránh các bệnh khác.

Tóm lại: Mềm sụn thanh quản có thể xảy ra với trẻ nhỏ và nhũ nhi và tỷ lệ nhiều sẽ hết các triệu chứng khi được trẻ được 12 - 18 tháng. Cha mẹ cần biết rõ căn bệnh này, nhất là các trường hợp nặng để biết cách chăm sóc cho trẻ được tốt nhất, đưa trẻ đi khám khi cần thiết.

Theo BSCKI. Nguyễn Thị Thu/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-tre-mac-benh-mem-sun-thanh-quan-169221102165642936.htm