Viêm xoang là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến. Viêm xoang có thể xuất hiện quanh năm, nhưng hay gặp nhất là khi giao mùa.
Vào mùa thu - đông thời tiết thay đổi, trong một ngày có thể xuất hiện hình thái thời tiết của cả 4 mùa, đây là điều kiện cho sự gia tăng các bệnh về tai mũi họng, trong đó có bệnh viêm mũi, xoang. Với những người có cơ địa dị ứng, bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang thì sự thay đổi thời tiết đột ngột chính là nguyên nhân gây ra các phản ứng dị ứng và ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống hằng ngày.
Nguyên nhân và tình trạng viêm xoang trong mùa đông
Thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh khiến cơ thể chưa kịp thích nghi. Mũi là cửa ngõ đầu tiên của cơ thể tiếp xúc với dòng không khí mang hơi lạnh và hanh khô. Trời lạnh khiến mũi phải làm việc nhiều hơn để đưa không khí sạch, ấm và ẩm vào phổi.
Viêm xoang với triệu chứng điển hình là: Hắt hơi thành tràng, sổ mũi, chảy nước mũi, khô họng, đau đầu, đau vùng mũi, vùng xoang…. Những triệu chứng này sẽ tăng vào buổi sáng, khi người bệnh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi…. Mùa lạnh sẽ gây ra cảm giác khó chịu nhiều hơn bởi các triệu chứng trở nên kéo dài hơn và sự tái phát cũng diễn ra nhanh hơn.
Viêm xoang có 2 dạng là viêm xoang cấp và viêm xoang mạn tính:
-
Viêm xoang cấp có biểu hiện sốt, môi khô lưỡi bẩn, đau nhức vùng sọ mặt tương ứng với xoang bị viêm như mặt trước má, trán, vùng sau gáy, ngạt tắc mũi tăng dần, chảy nước mũi đục rồi chuyển thành vàng xanh, giảm khả năng ngửi.
-
Viêm xoang mạn tính là do viêm xoang cấp tính tái diễn nhiều lần không được điều trị hoặc điều trị chưa triệt để. Biểu hiện của viêm xoang mạn tính là chảy mũi một hoặc hai bên, dịch mũi ngày một đặc hơn, có màu vàng xanh, mùi hôi, ngạt tắc mũi tăng dần tới ngạt mũi hoàn toàn, ngửi kém từng lúc hoặc mất ngửi, đau đầu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người viêm xoang phải đi khám bệnh.
-
Giải pháp tốt cho người bị viêm xoang mùa đông
Bệnh về đường hô hấp nói chung và viêm xoang chủ yếu là phòng tránh và giữ gìn cũng như sinh hoạt, luyện tập thể thao thường xuyên sẽ khiến giảm cảm giác khó chịu do bệnh gây ra.
Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh
-
Rửa tay thường xuyên vì virus có thể sống lâu hơn trên các bề mặt như tay nắm cửa, đồ dùng...
-
Khi đi ra ngoài đường phải đeo khẩu trang. Nó có tác dụng giữ ấm cho mũi, hạn chế sự xâm nhập của bụi bẩn, vi khuẩn gây hại.
-
Vệ sinh miệng hằng ngày bằng cách đánh răng trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, súc miệng bằng nước muối sinh lý. Giữ cho họng và miệng sạch khuẩn.
-
Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý và dụng cụ rửa mũi có bán trên thị trường.
-
Luôn giữ cho môi trường sống xung quanh xanh, sạch.
-
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tạo độ thoáng mát cho không gian sống.
-
Giữ ấm cơ thể
Trời lạnh, không khí khô hanh là tác nhân chính gây nên viêm mũi, xoang. Việc giữ ẩm cho không khí và giữ ấm cho cơ thể nhất là vùng mũi họng trong những đợt gió mùa về sẽ giúp bạn hạn chế rất nhiều sự khó chịu của bệnh xoang, đó là:
-
Giữ ấm vùng cổ, ngực và mũi bằng việc quàng khăn, đắp chăn kín khi đi ngủ.
-
Làm ấm vùng mũi mỗi khi thức dậy vào buổi sáng.
-
Nên tắm bằng nước nóng, tắm nhanh nơi kín gió, lau khô người, đầu tóc.
-
Có thể uống trà gừng, trà tinh dầu bạc hà…
-
-
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, hợp lý
-
Nên có chế độ dinh dưỡng khoa học. Trong bữa ăn hằng ngày nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như kẽm, vitamin A, C, Omega 3,… để tăng cường sức đề kháng, khả năng chống chọi với vi khuẩn gây bệnh.
-
Ăn nhiều protein, rau xanh, trái cây tươi, sinh tố các loại.
-
Tập thể dục đều đặn giữ sức khỏe tốt sẽ giúp bảo vệ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
-
Nên bỏ thuốc lá để bảo vệ hệ hô hấp và xoang mũi, ngay cả khi không hút thuốc cũng nên tránh hít phải khói thuốc thụ động.
-
Hạn chế dùng các chất gây mùi trong nhà như xịt phòng, nước tẩy rửa toilet, xà phòng và nước xả…. vì đó có thể là nguyên nhân kích thích đường thở, ảnh hưởng tới mũi xoang.
-
Theo Ths. Bs Nguyễn Thảo Anh/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/giai-phap-cho-benh-nhan-viem-xoang-khi-mua-dong-den-169221102143312655.htm