Cập nhật: 26/11/2022 08:35:00
Xem cỡ chữ

Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 314.271 ca mắc sốt xuất huyết, 115 trường hợp tử vong. Thời điểm này đang là những tháng cao điểm mùa dịch.

Năm 2022, thế giới ghi nhận số mắc sốt xuất huyết tăng so với năm 2021, nhất là tại châu Mỹ và nhiều quốc gia châu Á. Cụ thể, Lào tăng 21,5 lần; Singapore tăng 6,2 lần; Philippines tăng 3 lần; Malaysia tăng 2,4 lần. 

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc, 115 người tử vong. Trong những tháng gần đây, số mắc vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung. Trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận. 

115 ca tử vong do sốt xuất huyết, Bộ Y tế cảnh báo tháng cao điểm của dịch - 1

Số mắc sốt xuất huyết liên tục tăng cao tại khu vực miền Bắc và miền Trung (Ảnh minh họa: Minh Nhân).

Nguyên nhân là vì sốt xuất huyết là bệnh dịch có tính chất chu kỳ. Điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Bên cạnh đó, còn phải kể đến tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch Covid-19. 

Ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao. Qua kiểm tra giám sát cơ quan chức năng vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư. 

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Để tăng cường công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo các nội dung sau: 

Thứ nhất, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. 

Thứ 2, ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. 

Thứ 3, tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. 

Thứ 4, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dụng điều trị bệnh nhân, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính), chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện. 

Thứ 5, chỉ đạo Sở Tài chính trình UBND tỉnh, thành phố cấp bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. 

Thứ 6, tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. 

Theo Nam Phương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/115-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-bo-y-te-canh-bao-thang-cao-diem-cua-dich-20221126072615373.htm