Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Yên Lạc đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nạo vét một số thủy vực ô nhiễm môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở một số địa phương trên địa bàn huyện.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân thì những năm qua việc sản xuất mộc ở các làng nghề của thị trấn Yên Lạc cũng đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Nhiều gia đình sản xuất mộc ở đây đã lấn chiếm ao, hồ mở rộng nhà xưởng, xả thải bột mùn cưa, vứt rác bừa bãi xuống ao, hồ, chính điều này đã gây ra tình trạng ô nhiễm mặt nước, ảnh hưởng tới cuộc sống của Nhân dân. Qua khảo sát, lấy mẫu đánh giá môi trường của các cơ quan chức năng thì các ao hồ trên đều bị ô nhiễm cần được cải tạo, nạo vét.
Trước đây, khi chưa được cải tạo, ao làng thôn Man Để bị ô nhiễm, nhiều người dân vô ý xả rác bừa bãi, mặt nước đen, bốc mùi khó chịu càng làm cho tình trạng ô nhiễm ở đây trở nên trầm trọng. Trước thực trạng trên, nhằm bảo vệ môi trường, ngoài ngân sách đầu tư của Nhà nước, xã Tam Hồng đã huy động nguồn lực xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức để cải tạo, nạo vét các ao hồ, thủy vực bị ô nhiễm.
Qua rà soát trên địa bàn huyện Yên Lạc có 26 thủy vực bị ô nhiễm, để đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân, huyện Yên Lạc đã phê duyệt, lập dự án, cải tạo, nạo vét các thủy vực ô nhiễm trên với 100% kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.
Để đảm bảo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp, ngoài nguồn lực cải tảo, nạo vét các thủy vực từ nguồn ngân sách Nhà nước thì bản thân mỗi người dân cũng cần phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, chấp hành đúng quy định của pháp luật và mọi hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến môi trường phải bị lên án và xử lý một các nghiêm minh./.
Nguyễn Toàn