Cập nhật: 30/11/2022 13:19:00
Xem cỡ chữ

Khi vào bệnh viện, mở bản đồ lên, người dùng sẽ được ứng dụng chỉ đường đến từng khoa, phòng. Ứng dụng của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông được doanh nghiệp đầu tư 2 tỷ đồng để phát triển.

Bản đồ tìm đường tại các công trình công cộng

Dự án "Ứng dụng định vị sơ đồ vị trí, có hiện thị bản đồ tương tác (DefiMaps)" do 5 sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Viễn Đông thực hiện. Đó là các em Trần Minh Tân (trưởng nhóm), Phạm Ngọc Thông, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Nhật Tiến và Phạm Hoàng Nhã Thy.

DefiMaps đạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) tổ chức.

Chia sẻ về DefiMaps, Trần Minh Tân (sinh viên năm 3 khoa Công nghệ thông tin Trường Cao đẳng Viễn Đông) cho biết, ứng dụng này tương tự như Google Maps nhưng chức năng chủ yếu là định vị người dùng tại các địa điểm công cộng.

Ví dụ như đến bệnh viện Chợ Rẫy, mở ứng dụng DefiMaps lên, người dùng có thể xác định mình đang đứng ở vị trí nào của bệnh viện. Ứng dụng cung cấp sơ đồ khuôn viên bệnh viện, sơ đồ nhiều lớp các tầng nhà bệnh viện có những khoa, phòng nào. Thậm chí, người dùng có thể tìm kiếm vị trí cụ thể như phòng siêu âm, ứng dụng sẽ hướng dẫn người dùng đi như thế nào để đến địa điểm trên.

Theo Trần Minh Tân, DefiMaps có độ chính xác còn cao hơn Google Maps. Vì Google Maps định vị sai số từ 20-30m, nhưng DefiMaps sai số chỉ 5-6m. Thậm chí, nếu các địa điểm công cộng có lắp đặt thiết bị kích sóng thì DefiMaps định vị chỉ có sai số 1-2m.

Ứng dụng bản đồ của sinh viên trường nghề gọi vốn được hơn 2 tỷ đồng - 1

Trần Minh Tân và Phạm Ngọc Thông giới thiệu DefiMaps tại cuộc thi Startup Kite năm 2022 (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thầy Cao Thanh Phú - Trưởng khoa Công nghệ thông tin Cao đẳng Viễn Đông, người hướng dẫn cho nhóm nghiên cứu DefiMaps, cho biết: "Định vị của DefiMaps có độ chính xác cao hơn Google Maps không phải là vì công nghệ mình tốt hơn mà là do mình xác định nhóm đối tượng người dùng nhỏ hơn Google Maps. Từ đó, nhóm nghiên cứu sử dụng các thuật toán khử nhiễu, định vị nhóm đối tượng nhỏ nên độ chính xác cao hơn".

Theo thầy Cao Thanh Phú, người dùng mà DefiMaps nhắm tới là tìm đường đi lại tại các địa điểm công cộng không gian lớn như bệnh viện, khu vui chơi, mua sắm… nên tốc độ của họ là tốc độ đi bộ. Trong khi đó, Google Maps phải xử lý bài toán dành cho người dùng có tốc độ đa dạng, từ đi bộ cho đến xe máy, ô tô, xe buýt… nên sai số định vị lớn hơn.

Trần Minh Tân chia sẻ, em nảy ra ý tưởng nghiên cứu dự án này từ chính trải nghiệm của bản thân. Khi đưa người nhà đi khám bệnh tại một bệnh viện lớn, em không biết đường đi nước bước thế nào, phải nhờ "cò dịch vụ". "Cò dịch vụ" chỉ làm 1 việc là dẫn người bệnh đến vị trí họ cần làm thủ tục là lấy được 200.000 đồng của người bệnh.

Khi có DefiMaps, người dân sẽ không phải mất tiền phi lý như vậy nữa. Đặc biệt, DefiMaps còn có tính năng chia sẻ vị trí tiện lợi hơn cả zalo. Tiện lợi ở đây là khi đến địa điểm đông người, chỉ cần chia sẻ vị trí cho nhau thì người dùng DefiMaps có thể thấy vị trí của nhau trên bản đồ, ứng dụng còn chỉ hướng đi như thế nào để gặp nhau.

Ứng dụng bản đồ của sinh viên trường nghề gọi vốn được hơn 2 tỷ đồng - 2

Thầy Cao Thanh Phú (bên trái) hướng dẫn nhóm nghiên cứu các thuật toán chuyên sâu để phát triển ứng dụng (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thầy Cao Thanh Phú cho biết, sắp tới, DefiMaps sẽ phát triển thêm tính năng tìm kiếm và dẫn hướng bằng giọng nói như Google Maps. Ông nói: "Người dùng muốn đến phòng siêu âm, chỉ cần ra lệnh. Ứng dụng sẽ định vị người dùng và vị trí phòng siêu âm, sau đó hướng dẫn người dùng đi thẳng bao nhiêu mét, lên lầu hay không, rẽ phải hay trái, bao nhiêu mét nữa thì đến phòng siêu âm…".

Hơn 2 tỷ đồng đầu tư phát triển DefiMaps

DefiMaps là dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp dành cho học sinh - sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Do đó, tính lợi ích của ứng dụng chỉ là yếu tố cần, yếu tố đủ để dự án được đánh giá cao và đạt giải nhì Startup Kite năm 2022 là tiềm năng thương mại hóa.

Do đó, ngoài 4 sinh viên khoa Công nghệ thông tin chuyên về kỹ thuật, viết code cho ứng dụng thì Trần Minh Tân mời thêm Phạm Ngọc Thông, sinh viên năm 3 khoa Kinh tế tham gia nhóm nghiên cứu.

Phạm Ngọc Thông lên ý tưởng về đối tượng khách hàng, phương thức khai thác lợi ích từ ứng dụng… Từ đó xây dựng các phương án kinh doanh, thu lợi từ các tiện ích của ứng dụng.

Ứng dụng bản đồ của sinh viên trường nghề gọi vốn được hơn 2 tỷ đồng - 3

Nhóm nghiên cứu DefiMaps được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng trao chứng nhận đạt giải Nhì cuộc thi Startup Kite năm 2022 (Ảnh: Tùng Nguyên).

DefiMaps không thu tiền từ người dùng. Tiện ích của ứng dụng chỉ nhằm để thu hút người dùng. Khi lượng người dùng đông đảo, DefiMaps sẽ khai thác quảng cáo từ các cơ sở dịch vụ xung quanh địa điểm công cộng mà ứng dụng cung cấp bản đồ định vị và dẫn hướng.

Chẳng hạn như tại bệnh viện, DefiMaps sẽ cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các dịch vụ ẩm thực, nhà thuốc, thiết bị y tế… xung quanh bệnh viện. Các cơ sở tham gia quảng cáo sẽ được ưu tiên hiển thị trên bản đồ, giới thiệu dịch vụ, bảng giá và hướng dẫn người dùng đường đi đến cơ sở dịch vụ. Người dùng có thể đánh giá chất lượng dịch vụ, cập nhật thay đổi thực tế ngay trên ứng dụng như Google Maps.

Theo thầy Cao Thanh Phú, khi lượng người dùng lớn hơn, nhiều cơ sở quảng cáo cung cấp dịch vụ trên DefiMaps, ứng dụng sẽ tích hợp thêm tính năng thương mại điện tử cho người dùng đặt hàng online và cơ sở giao hàng tận tay người dùng.

Thấy được tiềm năng thương mại hóa của DefiMaps, hiện đã có một doanh nghiệp đầu tư 2 tỷ đồng, một cá nhân đầu tư 200 triệu đồng để góp vốn phát triển ứng dụng, đưa ứng dụng vào cuộc sống và khai thác thương mại.

Theo Phạm Ngọc Thông, khi có đầu tư, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các bước đăng ký bản quyền, phát triển tính năng, xây dựng cơ sở để thương mại hóa. Đầu tiên, dự án sẽ thành lập các nhóm làm việc như đội kỹ thuật gia công tính năng ứng dụng, thiết lập hệ thống lưu trữ, xây dựng nền tảng dữ liệu, quảng bá ứng dụng, đội thương mại…

Còn với Trần Minh Tân, việc có nhà đầu tư sẽ giúp các em chuyên tâm nghiên cứu, phát triển DefiMaps tốt hơn, không phải vừa nghiên cứu, viết code vừa phải đi làm thêm để kiếm tiền ăn học.

Ứng dụng bản đồ của sinh viên trường nghề gọi vốn được hơn 2 tỷ đồng - 4

Thành viên nhóm nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn tự hào với giải Nhì cuộc thi Startup Kite năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thầy Cao Thanh Phú chia sẻ, Trường Cao đẳng Viễn Đông vẫn đang hỗ trợ nhóm nghiên cứu phát triển thêm tính năng mới cho DefiMaps. Hiện ứng dụng chỉ là bản thử nghiệm trên điện thoại di động và sử dụng online trên website, chưa phổ biến chính thức trên các nền tảng di động.

Ông hy vọng tương lai không xa, DefiMaps sẽ chính thức có trên các nền tảng Android, IOS. Với sự đầu tư của các doanh nghiệp, dự án này sẽ được thương mại hóa, giúp các em sinh viên khởi nghiệp thành công.

Theo Tùng Nguyên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ung-dung-ban-do-cua-sinh-vien-truong-nghe-goi-von-duoc-hon-2-ty-dong-20221129150201902.htm