Cập nhật: 16/12/2022 08:14:00
Xem cỡ chữ

Chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ là vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Đây là một trong những bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như sức khỏe của trẻ.

Chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ do nhiều nguyên nhân dẫn đến. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân, khiến cha mẹ lo ngại vì sự thấp lùn của con mình. Việc tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ở "giai đoạn vàng" sẽ giúp cải thiện quá trình thúc đẩy tăng chiều cao cho trẻ.

Dưới đây là những nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ

- Nguyên nhân do thiếu hormone tăng trưởng

Theo nghiên cứu các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng ở trẻ, thì tỉ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ, nhưng lại là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chậm tăng trưởng. Hormone tăng trưởng được bài tiết bởi tuyến yên. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải bệnh như: U hạ đồi tuyến yên, chấn thương đầu, phẫu thuật não, nhiễm trùng thần kinh, chiếu xạ vùng sọ, vùng hầu họng và hốc mắt… Một số trường hợp thiếu hormone tăng trưởng không rõ nguyên nhân.

- Nguyên nhân do chậm tăng trưởng trong bào thai

Những thai nhi sinh ra có cân nặng thấp < 2500 gram. Có khoảng 10% trẻ có cân nặng thấp khi sinh không tăng trưởng kịp trẻ cùng tuổi và giới lúc 2 tuổi.

- Nguyên nhân do các bệnh lý

Trẻ mắc một số bệnh lý mạn tính tại thận như: Suy thận mạn, thận hư. Bệnh tim bẩm sinh, suy tim. Bệnh lý gan mật, rối loạn chuyển hóa… sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Ngoài ra các hội chứng Turner, Down, Prader - Willi… cũng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.

- Nguyên nhân do thiếu máu

Một số bệnh lý thiếu máu như thiếu máu huyết tán, thiếu máu do thiếu sắt… cũng làm cho trẻ chậm phát triển chiều cao.

- Nguyên nhân do dinh dưỡng kém

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chiều cao.

- Nguyên nhân do suy tuyến giáp

Hormone tuyến giáp tác động trực tiếp lên sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ. Khi tuyến giáp tiết không đủ hormone này có thể gây chậm tăng trưởng chiều cao.

Nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em - Ảnh 3.

Chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ là vấn đề cha mẹ thường lo lắng. Ảnh minh hoạ.

Trẻ phát triển thế nào là bình thường?

Thông thường chiều cao bình thường của trẻ được tính như sau. Với trẻ mới sinh, chiều cao từ 48 - 52 cm, trung bình là 50 cm. Trong năm đầu đời của trẻ, bé sẽ tăng khoảng 20 - 25 cm. Tuy nhiên, đến năm 1 - 4 tuổi thì chiều cao của trẻ tăng trung bình 10 - 12cm mỗi năm.

Và tương tự từ năm trẻ 4 - 11 tuổi sẽ tăng trung bình 5 - 8 cm mỗi năm. Đến tuổi dậy thì, sự tăng chiều cao của trẻ sẽ vượt bậc, ở trẻ gái tăng khoảng 6 - 10 cm mỗi năm và trẻ trai tăng từ 6,5 - 11 cm mỗi năm.

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm tăng trưởng

Nếu có các dấu hiệu chưa tăng so mới mức bình thường, nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt. Các dấu hiệu ước lượng khác như: Trẻ thấp hơn các bạn cùng lớp, cùng độ tuổi; Trẻ thấp hơn anh chị em ruột ở cùng tuổi. Quần áo con mặc rất lâu chật và ngắn hoặc đối với trẻ trên 4 tuổi tốc độ tăng trưởng chiều cao chậm < 5cm/năm... nên cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa dinh dưỡng, nhi khoa để được tư vấn.

Lời khuyên thầy thuốc

Việc theo dõi chiều cao của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng của các bố mẹ là rất cần thiết. Điều này giúp bố mẹ biết được chiều cao và sự tăng trưởng của con có bình thường hay không. Với trẻ thiếu hormone tăng trưởng thì điều trị càng sớm càng tốt, trẻ vẫn có thể bắt kịp tăng trưởng của trẻ bình thường. 

Trẻ thiếu hormone tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Bất kỳ thời điểm nào, nếu thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường và tốc độ tăng trưởng chậm, gia đình nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Nhi hoặc dinh dưỡng để xác định chẩn đoán và nguyên nhân.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo 1000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ được mang thai cho đến 24 tháng tuổi là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai.

Tuy nhiên, ngoài những trẻ đạt được các mốc chiều cao phù hợp với độ tuổi thì còn rất nhiều trẻ chưa đạt chuẩn chiều cao, thậm chí là kém tăng trưởng, thấp hơn nhiều so với con số cần có.

Theo ThS. BS Lê Thanh Bình/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-gay-cham-tang-truong-chieu-cao-o-tre-em-169221215111047507.htm