Dù 50 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn của tháng ngày lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng B-52. Nơi đây như một minh chứng cho chiến thắng oanh liệt, cũng không kém phần đau thương của người dân Thủ đô trong cuộc chiến khốc liệt - 12 ngày đêm bão lửa.
Toạ lạc tại địa chỉ 157 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), Bảo tàng Chiến thắng B-52 được coi là một trong những bảo tàng độc đáo nhất thế giới, bởi chỉ ở Việt Nam mới có một bảo tàng dành riêng cho việc trưng bày chiến thắng máy bay B52. Được thành lập ngày 6/11/1986, khánh thành ngày 22/12/1997 và tiếp tục được cải tạo, nâng cấp trong tháng 12/2022 với với tổng diện tích trên 7.550 m2, gồm đất để xây dựng công trình và khu vực trưng bày có diện tích 4.600 m2; đất làm đường, vỉa hè và sử dụng chung có diện tích gần 3.000 m2.
Hiện bảo tàng trực thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Bảo tàng thuộc loại hình lịch sử quân sự, nằm trong hệ thống các bảo tàng của Lực lượng vũ trang nhân dân, là trung tâm văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, nằm trong tổng thể không gian văn hóa di tích lịch sử “Hồ Hữu Tiệp, xác máy bay B-52”, và làng hoa cổ truyền Ngọc Hà. Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng vũ trang Thủ đô qua các thời kỳ lịch sử, mà đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội.
Tới bảo tàng, du khách tham quan không gian trưng bày trong nhà với diện tích 1.500 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại, mang biểu tượng của đài chiến thắng vinh quang. Nội dung trưng bày trong nhà gồm giới thiệu truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Trưng bày về Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với nhiều hình ảnh, hiện vật cùng với các giải pháp trưng bày, ánh sáng thể hiện khái quát về âm mưu của địch, sự tàn khốc của chiến tranh hủy diệt ở Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên. Cùng với đó là hình ảnh khắc phục hậu quả của máy bay địch bắn phá Hà Nội; hình ảnh quân và dân ta vượt lên mất mát, đau thương, chiến đấu bảo vệ Thủ đô, hạ gục máy bay chiến lược B-52 và nhiều lại máy bay khác,…
Về diễn biến Chiến dịch, Bảo tàng trưng bày bản đồ diễn biến Chiến dịch. Bên cạnh đó, phần trưng bày này còn kết hợp với sa bàn tổng hợp và kết hợp với phim 3 màn hình, giới thiệu khái quát diễn biến Chiến dịch “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/972. Đó là hình ảnh bộ đội tên lửa anh hùng bắn rơi máy bay chiến lược B-52; trận địa pháo phòng không 100mm của tự vệ khu phố Đống Đa đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ; hiện vật của Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng bắn rơi máy bay F111A đêm ngày 22/12/1972; Không quân nhân dân Việt Nam sẵn sàng cất cánh chiến đấu bảo vệ Thủ đô; máy bay B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội;...
Ngoài khu trưng bày trong nhà, bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời với diện tích khoảng 4.000m2, trưng bày các vũ khí, khí tài mà quân, dân Thủ đô đã sử dụng và lập công, cùng một số mảnh xác máy bay Mỹ. Những hiện vật đang trưng bày tại đây tái hiện sinh động về một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp. Một thế trận đã tạo ra sức mạnh tổng hợp với “Máy bay tầm cao; tên lửa tầm trung; súng máy phòng không, súng cao xạ tầm thấp” nhằm đánh bại chiến dịch sử dụng “Pháo đài bay” B-52 đánh, phá Hà Nội của đế quốc Mỹ.
Xác “Pháo đài bay B-52” với tỷ lệ 1:1, thân dài: 59,05m; sải cánh: 56,39m đang nằm dài trên mặt sân khuôn viên phía trước Bảo tàng khiến những du khách đến tham quan không khỏi kinh ngạc trước sức chịu đựng của một Hà Nội kiên cường dưới mưa bom, bão đạn chiến tranh, cũng như tinh thần đoàn kết chiến đấu của người Hà Nội. Cùng với đó, Bảo tàng đã thu thập hồ sơ các di tích chiến thắng B-52 tiêu biểu ở Hà Nội như Đài tưởng niệm Khâm Thiên; điểm B52 rơi đầu tiên ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn; Sở chỉ huy phòng không nhân dân; trận địa phòng không ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng; các trận địa tên lửa bảo vệ trong 12 ngày đêm năm 1972. Những hình ảnh hay hiện vật tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 đều gắn với nhân vật cụ thể hay đơn vị cụ thể cùng với những câu chuyện hào hùng trong 12 ngày đêm lịch sử.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52, những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng B-52 đã góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua tư liệu, hiện vật đang trưng bày, lưu giữ. Bảo tàng không chỉ là nơi tham quan, học tập, nghiên cứu của đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
“Nhiệm vụ của Bảo tàng Chiến thắng B-52 rất cao quý và nặng nề. Với sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng không ngừng đổi mới về mọi mặt, trưng bày một cách sinh động các hiện vật để mọi người khi đến tham quan có thể hiểu và tự hào hơn về chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, làm nên Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Để phục vụ khách tham quan và tạo cơ hội cho nhiều người dân trong và ngoài nước được biết đến Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, trong suốt những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng B-52 luôn mở cửa đón khách. Cùng với đó, Bảo tàng luôn bổ sung, thay thế những hiện vật cố định và làm mới các hệ thống ảnh dương bản, hệ thống trưng bày liên hoàn; nâng cao chất lượng hệ thống chiếu phim sa bàn, bổ sung phụ đề tiếng anh phục vụ khách nước ngoài, để khách tham quan hiểu rõ hơn về nội dung trong chiến dịch 12 ngày đêm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”./.
Theo CTV Kim Nhung/VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa/bao-tang-chien-thang-b-52-noi-luu-giu-chien-tich-hao-hung-cua-12-ngay-dem-bao-lua-post990958.vov