Theo chuyên gia khí tượng thủy văn quốc gia, trong các tháng 1-2/2023, không khí lạnh sẽ tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.
Rét đậm, rét hại. (Ảnh: TTXVN)
Chuyên gia Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), cho biết từ tháng 1-3/2023, La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường) có khả năng tiếp tục duy trì với xác suất trong khoảng từ 50-55%.
Với xu thế đó, trong 2 tháng đầu năm 2023, không khí lạnh sẽ tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.
Riêng trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 31/12, ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thời tiết phổ biến là trời rét. Trong đó, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại; thời kỳ đêm 28, ngày 29/12 có mưa, mưa rào rải rác.
Cùng với không khí lạnh, từ nay đến tháng 3/2023, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện 1 hoặc 2 xoáy thuận nhiệt đới và tập trung ở khu vực Nam Biển Đông, không ngoại trừ khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam.
Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước từ tháng 1-3/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ C; khu vực Bắc Bộ, trong tháng 2/2023, nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5 độ C trung bình nhiều năm.
Về lượng mưa, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ từ tháng 1-2/2023, phổ biến thấp hơn 5-15mm so với trung bình nhiều năm. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, từ tháng 1-3/2023, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.
Riêng khu vực Trung và Nam Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30mm so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng phổ biến cao hơn 5-20mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Nhận định thêm về diễn biến thủy văn và nguồn nước trong 3 tháng đầu năm 2023, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm cho biết mực nước trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục biến đổi chậm theo xu thế xuống. Riêng hạ lưu sông Hồng từ tháng 1-2/223 tăng chậm do các hồ chứa thượng nguồn tăng cường cấp nước phục vụ đổ ải.
Nguy cơ thiếu nước trong mùa khô 2023. (Ảnh minh họa. Nguồn: Trọng Đạt/TTXVN)
Với diễn biến trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo dòng chảy đến các hồ chứa trên sông Đà thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-30%; dòng chảy trên sông Thao và sông Lô thiếu hụt từ 20-50%. Nguy cơ xảy ra thiếu nước cục bộ có khả năng xuất hiện tại khu vực Tây Bắc trong mùa khô năm 2023.
Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, từ tháng 1-2/2023, mực nước trên các sông thấp dần. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-60%.
Đối với khu vực Nam Bộ, mực nước trên sông Đồng Nai tại Tà Lài cũng được dự báo sẽ biến đổi chậm với xu thế xuống dần. Tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về hạ lưu trong tháng 1/2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của thủy triều với xu thế xuống dần và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m. Xâm nhập mặn ở vùng "vựa lúa số 1 Việt Nam" khả năng ở mức tương đương trung bình nhiều năm.
Về diễn biễn triều cường, ông Lâm cho biết từ nửa cuối tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 7 đợt triều cường.
Trong đó, đợt 1, dự báo triều cường sẽ xảy ra từ ngày 21-29/12; đợt 2 từ ngày 6-10/1/2023; đợt 3 từ ngày 21-26/1/2023; đợt 4 từ ngày 7-10/2; đợt 5 từ ngày 19-24/2; đợt 6 từ ngày 9-11/3; đợt 7 từ ngày 20-25/3.
"Trường hợp triều cường trùng với thời kỳ gió mùa đông bắc có cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông và khu vực ngoài đê bao ven biển Nam Bộ," chuyên gia Hoàng Phúc Lâm lưu ý.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-canh-bao-con-nhieu-dot-ret-dam-ret-hai-vao-dau-nam-2023/837217.vnp