Đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã khiến ngành du lịch Việt Nam và toàn cầu bước vào giai đoạn vô cùng u ám. Tuy nhiên, sự tăng trưởng thần kỳ của du lịch nội địa trong năm qua là điểm sáng, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của toàn ngành.
Quá nhiều trở ngại cùng những rào cản đã hạn chế lượng khách quốc tế vào Việt Nam khiến du lịch nước nhà đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau dịch Covid-19. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Nhưng để đạt được mục tiêu và kỳ vọng trong năm 2023, du lịch Việt Nam cần phải từng bước tháo gỡ những “nút thắt”, dần lấy lại cân bằng mới hy vọng bứt phá và đi lên.
Du khách Việt rất hào hứng và dành sự quan tâm nhiều hơn đối với những tour du lịch nội địa khám phá trên miền núi, vùng cao, với nhiều sản phẩm du lịch sáng tạo và đa dạng, phong phú về trải nghiệm.
Một số du khách cho biết: Khi về đây có rất nhiều hoạt động như chèo thuyền, quăng chài bắt cá, nhuộm vải, dệt vải, đi tham quan làng bản và có trải nghiệm nấu nướng những món ăn địa phương.
"Mình rất thích. Mình chọn những tour thiên về thiên nhiên nhiều hơn. Ví dụ mình đang cầm trên tay một tour ở Điện Biên, Mường Tè, Mường Nhé vì mình muốn trở về hòa mình với thiên nhiên hơn."
Du khách Việt ưu tiên du lịch nội địa bởi sau dịch Covid-19, việc di chuyển xa còn nhiều hạn chế, giá cả cao, mức độ an toàn về dịch bệnh chưa đảm bảo. Điều đó lý giải vì sao trong năm 2022, thị trường du lịch nội địa nhộn nhịp. Nhờ chi phí hợp lý, sản phẩm đa dạng, mức độ an toàn về dịch bệnh cao, hơn nữa du khách bị gò bó sau những tháng ngày dài giãn cách, nên lựa chọn đi du lịch trong nước là giải pháp tối ưu.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2022 phục vụ 65 triệu lượt khách, gồm 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Đến nay, lượng khách nội địa đã về đích sớm, vượt mục tiêu đề ra, với hơn 101 triệu lượt, tăng hơn gấp 1,5 lần so với kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ lữ hành – Tổng cục Du lịch nhận xét: Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành rồi các doanh nghiệp lưu trú cũng nói rằng đã rất vất vả vì làm việc liên tục vì nhu cầu tăng rất nhanh của khách. Chính vì vậy để giải quyết được vấn đề này, ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng tôi cũng xác định, một là kéo dài mùa cao điểm, thứ 2 là 1 năm chúng ta phải tăng cường có ít nhất 2 mùa du lịch nội địa.
Mặc dù thị trường du lịch nội địa có nhiều khởi sắc và là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau mùa dịch Covid-19 nhưng Việt Nam lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong vùng. 18,1% là con số quá thấp bé so với tỷ lệ phục hồi du lịch đạt mức 26 đến 31% của các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay ước đạt 3,5 triệu lượt, chỉ đạt 70% so với mục tiêu đề ra.
Một số thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc còn chưa mở cửa, cộng thêm các yếu tố về địa chính trị, suy thoái kinh tế là nguyên nhân khách quan khiến dòng khách từ châu Âu bị hạn chế. Tuy nhiên, rất nhiều “điểm nghẽn”, “nút thắt”, tạo nên rào cản cho việc đón khách quốc tế chính là nguyên nhân chủ quan, dẫn đến thực trạng này. Không ít du khách quốc tế vào Việt Nam đã phải than phiền rằng chính sách visa, với quá nhiều thủ tục rườm rà, không minh bạch khiến họ gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Sandra, 26 tuổi, người Thụy Sĩ và chị Esperanza, 38 tuổi, người Tây Ban Nha chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất khó khăn trong việc tìm được những trang web chính thức của Chính phủ để có thể xin upline visa một cách dễ dàng. Về vấn đề visa số thời gian ở quá ngắn, rất khó để có thể kéo dài thời gian lưu trú của tôi tại Việt Nam vì thủ tục khá loằng ngoằng. Tôi phải chạy visa run. Tôi rất hy vọng thời hạn visa ở Việt Nam được kéo dài hơn. Thủ tục visa, ví dụ các ngày mình ghi mình sẽ đến đâu và ngày nhập cảnh, ngày gia hạn có thể linh động hơn vì khi đi du lịch chúng tôi không thể biết chính xác được từng ngày sẽ đi đâu hay ở đâu thì trên visa người ta bắt chúng tôi phải ghi chi tiết như thế".
Chính sách thị thực của Việt Nam thực sự còn quá nhiều rào cản. Điều này gây vô vàn phiền toái đối với du khách quốc tế, khi họ mong muốn có kỳ nghỉ dài ngày tại Việt Nam. Nhưng đến nay, qui định này vẫn không hề có sự điều chỉnh.
Bà Đào Thị Nga – Trưởng bộ phận Kinh doanh khách sạn Little Charm Hanoi Hostel nói: "Việc đầu tiên, là câu hỏi chung của hàng nghìn khách đến với Việt Nam sau Covid gặp rất nhiều rắc rối trong vấn đề họ muốn gia hạn visa để ở nhiều hơn so với visa mà họ được cấp là 15 ngày thì hiện tại, chính sách của nhà nước là chỉ cho cấp visa là 15 ngày. Nếu khách hàng muốn ở lại thêm thì bắt buộc khách phải ra khỏi Việt Nam, bay đi một nước nào đó và quay trở lại. Như vậy rất bất tiện cho khách hàng, làm cho họ phải sử dụng thêm nhiều chi phí cho đường bay, thời gian họ đi nghỉ, tham quan bị cắt đoạn nên họ sẽ không vui".
Du lịch Việt Nam mong muốn đón nhiều du khách nhưng nhiều khách quốc tế đã chuyển hướng lựa chọn đi du lịch đến các nước khác ở trong khu vực mà họ không cần phải xin cấp visa. Điển hình như Thái Lan, đã miễn visa du lịch cho 65 nước, với thời hạn lưu trú 30 đến 45 ngày, thậm chí có thể tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần. Trong khi đó, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chỉ miễn visa cho 24 quốc gia, với thời gian lưu trú là 15 ngày và ra vào 1 lần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, muốn gỡ khó cho du lịch thì cải thiện thị thực là chưa đủ. Cần phải có góc nhìn tổng thể tất cả các khía cạnh, bao gồm công tác truyền thông, quảng bá, vận chuyển, lữ hành, lưu trú, dịch vụ cũng như nguồn nhân lực.
Để tháo gỡ những rào cản và hạn chế còn tồn tại trong việc mở cửa đón khách quốc tế, ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng Ban Truyền thông và Chuyển đổi số - Hiệp hội du lịch Việt Nam đề xuất một số giải pháp: "Hiện nay, đầu tiên chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, không tập trung những thị trường truyền thống nữa mà cần mở rộng những thị trường mới, là những thị trường có nền kinh tế ổn định, khả năng chi trả của du khách cao. Thứ 2 là những thị trường thuận lợi về đường bay đến Việt Nam. Thứ 3 là những thị trường đấy không có những đối thủ cạnh tranh nhiều. Yếu tố thứ 2 là vấn đề visa. Vì nếu xác định được thị trường nhưng không có biện pháp xúc tiến thị trường, khuyến khích khách đến với Việt Nam thì cũng chỉ là tiềm năng thôi. Mà hình thức tốt nhất hiện nay là tạo thuận lợi hóa về visa bằng việc mở cửa visa, miễn visa hoặc tăng thời gian lưu trú của du khách hoặc những hình thức khác làm sao thuận lợi nhất cho du khách".
Trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải từng bước gỡ bỏ những “hạt sạn” gây cản trở hoạt động đón khách. Đồng thời, cần phải có kế hoạch rõ ràng từ xây dựng sản phẩm, tiếp thị đến các chính sách tổng thể, đặc biệt là tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất là visa. Việc khắc phục những khó khăn, tận dụng các cơ hội và phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa sẽ góp phần tạo động lực cho sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Theo Huyền Trang/VOV1
https://vov.vn/du-lich/nhin-lai-du-lich-viet-nam-nam-2022-lay-lai-can-bang-de-but-pha-post993973.vov