Cập nhật: 11/01/2023 08:00:00
Xem cỡ chữ

Nhìn lại năm 2022 có thể thấy, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, những khó khăn về kinh tế - xã hội đã tác động và tạo ra nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có cho ngành GD-ĐT.

Đứng trước tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều tỉnh, thành phố khi triển khai chương trình mới, giáo viên nghỉ việc hàng loạt, khó khăn khi triển khai các môn học mới... ngành giáo dục sẽ tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nào trong năm 2023 này? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.

nam 2023, nganh giao duc se tap trung nhung van de lon va kho hinh anh 1

Bộ trưởng Bộ Giáo dục -Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

PV: Thưa Bộ trưởng, nhìn lại năm 2022, trong quá trình chỉ đạo điều hành thì Bộ trưởng ấn tượng với những việc lớn nào mà ngành đã thực hiện trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể nói ngành Giáo dục có rất nhiều sự kiện, công việc lớn và đối với những người điều hành công tác của ngành chúng tôi có rất nhiều ấn tượng, cảm xúc trong năm vừa qua. Có thể nói việc rất là lớn mà ngành đã làm trong thời gian và qua là chung sức, đồng lòng, quyết tâm mở cửa trường học, đưa giáo dục trở lại trạng thái bình thường mới. Chủ trương đó đã đúng đắn và phù hợp với thực tế và đã giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với GD-ĐT. Bên cạnh đó, vừa phải chống dịch nhưng chúng tôi cũng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và cũng đã đạt được đúng tiến độ, đúng kế hoạch đề ra. Cũng có thể nói, năm vừa rồi chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị rất cao cho công tác chuyển đổi số với một kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học mà hầu hết các công việc từ thủ tục, cách thức điều hành, đăng ký của học sinh… đều thực hiện qua internet và qua các công tác mà do chuyển đổi số mang lại.

Một điểm nữa là trong qúa trình chống dịch cũng khó khăn nhưng các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đi thi olympic quốc tế đã mang lại kết quả rất là đáng mừng. Đấy là niềm vui rất lớn vì kết quả của 38 học sinh đi thi Olympic quốc tế đã đưa giáo dục mũi nhọn Việt Nam vào nhóm 10 nước có giáo dục mũi nhọn rất tốt trên thế giới.

Với giáo dục đại học đây là năm chúng tôi tập trung rà soát những vấn đề tự chủ đại học, một năm chúng tôi có nhiều kỳ vọng nhưng mà số trường đại học đã gia tăng các chỉ số xếp hạng, cũng rất nhiều niềm vui từ cơ sở giáo dục đại học mới được hoàn tất, xây dựng và đưa vào sử dụng và những kết quả của nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ thì đó cũng là niềm vui.

PV: Vâng, khó khăn về dịch bệnh nhưng năm 2022 ngành GD-ĐT đã thực hiện được nhiều việc đạt kết quả tốt như Bộ trưởng vừa nêu. Trong năm mới 2023 này, ngành GD-ĐT có những việc lớn gì phải triển khai, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có rất nhiều việc lớn đang chờ ở phía trước chúng tôi. Đây là một năm rất trọng tâm của thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đây là một năm mà còn một học kỳ nữa chúng tôi phải hoàn tất việc triển khai chương trình mới lớp 3,7,10. Và đối với lớp 4,8,11 sách giáo khoa cũng đã được phê duyệt xong và công việc phía trước là triển khai cho năm học mới vào tháng 9 này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho việc thẩm định sách giáo khoa ở cả ba lớp cuối cấp còn lại là lớp 5,9,12 để chuẩn bị kết thúc một chu trình đổi mới SGK và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cũng phải có đánh giá từng năm, từng lớp, từng cấp. Lượng công việc rất lớn đang đặt ra ở phía trước chúng tôi.

Chúng tôi cũng đang triển khai rất tích cực chương trình giáo dục mầm non mới, đang hy vọng trong năm nay có thể phê duyệt được và từng bước triển khai ở các năm sau. Cùng với đó những công việc lớn mà chúng tôi cũng phải sắp xếp là việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm, cao đẳng rồi các trường đại học ở địa phương cũng đang đặt trước việc rà soát, sắp xếp mạng lưới để sao cho nó hợp lý nhất, phát huy được năm lực của các trường trong việc nghiên cứu và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Có rất nhiều việc còn đang đặt ra ở phía trước chúng tôi.

PV: Với hàng loạt công việc mà Bộ trưởng vừa chia sẻ, đâu là giải pháp mang tính đột phá để ngành GDĐT sẽ thực hiện được những nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Với những việc rất là lớn và nhiều thách thức cần có những giải pháp có tính chất bao quát và rất là toàn diện. Tuy nhiên, trong đó có những giải pháp mà chúng tôi đặt sự ưu tiên, trọng tâm, trong đó, điều quan trọng nhất là phát triển lực lượng nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục. Cần phải có đủ về số lượng, cơ cấu đối với đội ngũ các nhà giáo để làm sao từng vùng miền, từ đô thị đến vùng nông thông, vùng núi, vùng khó khănđều có đầy đủ giáo viên, đầy đủ sĩ số, tỷ lệ với giáo viên và học sinh, đảm bảo đủ giáo viên cho các môn học mới. Bên cạnh đó, cần làm thế nào đó để lực lượng giáo viên yên tâm công tác, không quá khó khăn và bớt phần khó khăn trong đời sống. Và lực lượng nhà giáo trong các trường đại học cũng được tăng cường một bước về những điều kiện làm việc và trình độ chuyên môn, hội nhập quốc tế và có được những chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực. Như vậy, giáo viên từ mầm non cho đến đại học cũng đang cần những giải pháp để phát triển đội ngũ. Bên cạnh việc phát triển đội ngũ nhà giáo thì một trong những giải pháp cũng được xem là đột phá của ngành giáo dục trong năm tới là tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi số trong toàn ngành.

PV: Trong dịp đầu xuân năm mới, Bộ trưởng có mong muốn gì đối với lĩnh vực GD-ĐT?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mong ước rất nhiều, nhưng vấn đề mà chúng ta mong muốn lớn nhất đang đặt ra trong những mục tiêu đổi mới. Vấn đề làm thế nào để thực hiện tốt nhất, với tư cách người đang chịu trách nhiệm trong công việc chỉ đạo đối với ngành tôi mong muốn nhất là làm sao trong công cuộc đổi mới này có đủ những điều kiện về vật lực, về cơ sở vật chất để cho các cơ sở giáo dục địa phương có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nhất. Điều nữa chúng tôi cũng rất là mong muốn là làm sao có nguồn lực để hiện đại hoá được hệ thống giáo dục từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học.

Mong muốn thứ hai, làm sao đó để xã hội, các bậc phụ huynh đã chia sẻ, đã thông cảm và đã đồng hành cùng ngành giáo dục cũng cần đồng hành, chia sẻ lớn hơn nữa, cùng với ngành giáo dục để đón nhận những cái mới, để tạo điều kiện cho những cái mới được ươm mầm, được nảy nở, được triển khai. Và nếu có điều gì chưa thật hợp lý thì góp ý và phản biện thì chúng tôi sẽ cùng có những điều chỉnh cho thích hợp. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là rất quan trọng. Với ngành từ phía xã hội là sự phối hợp nhịp nhàng, hô ứng đó là điều rất quan trọng.

Điều thứ ba, trước thềm năm mới chúng tôi mong ước làm sao dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các điều kiện về thiên tai, bão lụt, các điều kiện khác không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của ngành Giáo dục để cho ngành Giáo dục có một năm mà từ nhà trường đến học sinh và các thầy cô có một năm học bình an, mọi việc thuận lợi.

Đây là một năm có rất nhiều áp lực, tôi cũng mong năm mới tất cả đội ngũ nhà giáo có sức khoẻ tốt, niềm tin và phấn khởi để tiếp tục gánh vác nhiệm vụ đổi mới, tiếp tục đổi mới bản thân, đổi mới phương pháp, cách thức để có thể phát huy được sáng tạo của mình để có được năm học thật tốt, trách nhiệm và một năm cảm thấy hạnh phúc với nghề nghiệp, với học trò.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn!.

Theo Lê Thị Thu/VOV1

https://vov.vn/xa-hoi/nam-2023-nganh-giao-duc-se-tap-trung-nhung-van-de-lon-va-kho-post995392.vov