Cập nhật: 19/01/2023 07:59:00
Xem cỡ chữ

Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, là điểm đến hấp dẫn của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh.

Le hoi den Dong Cuong tro thanh Di san van hoa phi vat the quoc gia hinh anh 1

Nghi thức lễ hội tại cửa đền Đông Cuông. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 73/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo quyết định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm. Lễ hội mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm.

Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước tượng Mẫu sang sông bằng chiếc bè lớn làm bằng nứa dại. Đây là một trong những lễ chính của lễ hội đền Đông Cuông.

Lễ rước tượng Mẫu sang sông để thắp hương cúng tế linh hồn tướng quân Hà Đặc được bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Khi tượng Mẫu đã sang tới miếu Ghềnh Ngai thăm Đức Ông, các thầy cúng làm thủ tục tế lễ, sau đó tượng Mẫu lại được rước quay về đền vào đúng 10 giờ. Đây cũng là lúc bắt đầu lễ dâng hương tế Mẫu, cầu cho quốc thái dân an, muôn dân ấm no, hạnh phúc.

Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, ném còn, đánh yến... Cuối hội nam nữ các bản làng tổ chức hát giã hội chia tay hẹn nhau đến hội Xuân sau.

Đền Đông Cuông hay còn gọi là đền Thần vệ quốc, Đông Quang, thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Theo "Đại Nam nhất thống chí," đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, húy là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất, Cao Quan Đại Vương rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là “Thần vệ quốc” và đã hóa thân thành Mẫu Thượng Ngàn.

Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và đền Hùng (Phú Thọ).

Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm đến hấp dẫn của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành phố trong nước hành hương tìm về đền dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền, cầu tài lộc, bình an trong cuộc sống.

Năm 2000, đền Mẫu Đông Cuông được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Năm 2009, đền được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia./.

Theo Phương Hà (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/le-hoi-den-dong-cuong-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/842048.vnp