Cập nhật: 20/01/2023 09:40:00
Xem cỡ chữ

Mâm cỗ ngày Tết miền Nam không quá cầu kỳ nhưng cũng rất phong phú.

Người miền Nam không quá khắt khe trong việc bày biện mâm cỗ ngày Tết. 

Tuy vậy, mâm cỗ Tết ở miền Nam cũng rất đầy đủ và phong phú. Người miền Nam thường chuẩn bị nhiều món ngon và các loại trái cây trên mâm cỗ ngày Tết. Những món ăn này có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt... 

Người miền Nam sẽ làm mâm cỗ tùy theo điều kiện của gia đình, không nhất thiết phải có quá nhiều món ăn.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, những món ăn độc đáo, không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết miền Nam bao gồm: thịt kho tàu, canh khổ qua, bánh tét, lạp xưởng…

Trong số những món ăn này, món thịt kho tàu là đặc trưng trong mâm cỗ ở miền Nam. Thịt kho tàu đúng chuẩn miền Nam sẽ có vị thanh ngọt của nước dừa, béo ngậy của trứng cùng miếng thịt ba chỉ mềm ngon.

Thịt kho tàu là món ăn đặc trưng trong mâm cỗ Tết ở miền Nam. (Ảnh minh họa: bTaskee).

Theo quan niệm dân gian miền Nam, món thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất tròn vuông. Cầu mong một năm mới trọn vẹn, đầy đủ.

Nếu mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc có bánh chưng thì mâm cỗ của người miền Nam lại có bánh tét. Bánh tét như một món ăn truyền thống gợi nhớ cội nguồn, luôn xuất hiện trong các lễ tục cúng tổ tiên.

Món bánh tét thơm ngon với phần vỏ nếp dẻo, nhân đậu xanh béo mềm và thịt mỡ mặn mà. Bánh tét thường có nhân chay hoặc mặn. 

Bánh tét là món ăn truyền thống của người miền Nam. (Ảnh minh họa: bTaskee)

Một trong những món nước không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam, đó là món canh khổ qua. Canh khổ qua mang ý nghĩa mong muốn mọi chuyện “khổ” ở năm cũ sẽ “qua” nhanh trong năm mới. 

Món canh khổ qua được chế biến đơn giản với khổ qua nguyên trái làm sạch bỏ ruột. Nhân khổ qua được làm từ thịt heo xay nhuyễn, có thể trộn với chả cá để tăng độ dai, thêm nấm mèo thái sợi và hành lá. Tất cả hòa quyện tạo nên món canh thanh mát và cực kỳ ngon, độc đáo.

Canh khổ qua thanh mát, thích hợp cho thực đơn ngày Tết. (Ảnh minh họa: bTaskee)

Mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam không thể thiếu gà luộc. Gà trống nguyên con phải được buộc cánh tiên khi luộc, khi chín da vàng bóng, không nứt. Gà sau khi cúng xong có thể xé nhỏ trộn gỏi, hoặc cắt miếng chấm muối ớt lá chanh. 

Theo quan niệm dân gian, màu đỏ luôn đem lại sự may mắn. Bởi vậy, món lạp xưởng có màu đỏ được nhiều người miền Nam yêu thích và sử dụng trong dịp Tết. Lạp xưởng ở miền Nam có nhiều loại như: lạp xưởng khô, lạp xưởng tươi, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… Món ăn này rất dễ kết hợp với các món khác. 

Ngoài các món đặc trưng, mâm cỗ ngày Tết miền Nam còn có củ kiệu, củ cải ngâm, xôi vò, gỏi cuốn, dưa giá, chả giò…

Theo Ngọc Lài/vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/mam-co-ngay-tet-nguyen-dan-mien-nam-co-nhung-mon-nao-2101980.html