Cập nhật: 26/01/2023 08:50:00
Xem cỡ chữ

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài bảy ngày, thời tiết thuận lợi, cho nên nhiều gia đình tranh thủ thời gian này đi du lịch tham quan các di tích hoặc đi lễ chùa.

Người dân và du khách tham dự Lễ hội Gầu Tào ở xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)

Dịp này, các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, di tích nổi tiếng trong nước đều đông khách. Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm du lịch, khu di tích, bảo đảm không xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn cho người dân khi du xuân.

Đầu xuân, đi lễ tại các di tích là một phong tục đẹp của người Việt. Tết năm nay, thời tiết trong cả nước đẹp lý tưởng, rất thích hợp với các hoạt động ngoài trời.

Các di tích, di sản đông khách tham quan

Tại Hà Nội những ngày này, các di tích lớn, đồng thời là những địa chỉ du lịch hấp dẫn như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, Tứ trấn Thăng Long…, thu hút rất đông người dân tham quan, chiêm bái. Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám mở cửa xuyên Giao thừa, dòng người tấp nập đến khấn lễ, cầu mong con cái học hành tấn tới.

Du khách xếp hàng để xin chữ tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). (Ảnh CHÍ DŨNG)

Sau hai năm tạm dừng do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân. Hội có tất cả 50 người viết thư pháp, gồm chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Từ mồng 1 đến mồng 4 Tết, các gian hàng luôn chật cứng người đợi xin chữ. Nhiều khách du lịch từ các tỉnh, thành phố khác cũng đến tham quan di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám và xin chữ lấy may đầu năm.

Anh Phạm Quốc Cường (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết: “Gia đình tôi lên Hà Nội du xuân, năm nay, tôi xin hai chữ “Đỗ đạt” để mong các cháu học hành thành tài”.

Sáng mồng 1 Tết, những đoàn khách du lịch đầu tiên trong năm Quý Mão đến “xông đất” Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) được lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình tặng hoa và quà, thể hiện tình cảm nồng ấm, sự thân thiện, mến khách của địa phương, khiến nhiều du khách xúc động.

Anh Nguyễn Văn Minh, khách du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Được đón tiếp nồng nhiệt, gia đình anh rất vui. Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An có cảnh quan non nước hữu tình, không có cảnh chèo kéo chụp ảnh, chen lấn, xô đẩy xuống đò, cho nên chắc chắn anh sẽ quay lại Ninh Bình nhiều lần nữa để tham quan các khu điểm du lịch nổi tiếng khác”.

Dịp này, các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, di tích nổi tiếng trong nước đều đông khách. Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm du lịch, khu di tích, bảo đảm không xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn cho người dân khi du xuân.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: “Tết Quý Mão năm 2023, Ninh Bình đón hơn 84 nghìn lượt khách du lịch, tăng 7 lần so với dịp Tết năm 2022, trong đó có gần 13 nghìn lượt khách quốc tế”.

Tại tỉnh Lào Cai, trong năm ngày qua, rất đông khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Khu du lịch Sa Pa và các huyện vùng cao có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc bản địa như Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Bảo Yên… để du xuân và trải nghiệm.

Ông Kalisvaran Sellappan, 50 tuổi, du khách người Malaysia là một trong những vị khách nước ngoài có kỳ nghỉ dưỡng trọn vẹn trong dịp Tết tại Sa Pa. Ông Kalisvaran đến Sa Pa từ ngày 21/1 (30 Tết) cùng vợ con và lên đỉnh Fansipan từ sáng sớm mồng 1 Tết.

Ông Kalisvaran vui vẻ cho biết: Tôi mong muốn có một chuyến du lịch tới Sa Pa để lên “nóc nhà Đông Dương” từ lâu và dịp Tết cổ truyền của Việt Nam lần này tôi đã đến được nơi tôi muốn. Cùng vợ và con trai đi cáp treo lên đỉnh Fansipan ngắm phong cảnh hùng vĩ nơi đây; trải nghiệm các bản làng và có được rất nhiều bức ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên, đời sống và con người ở Sa Pa, thật thú vị”.

Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sa Pa, trong dịp nghỉ Tết, lượng khách đến Sa Pa tăng mạnh; công suất phòng nghỉ thị xã đạt 95%, tập trung chủ yếu ở phân khu trung-cao cấp tại khu vực trung tâm. Riêng các điểm du lịch cộng đồng, công suất bình quân đạt 50%, trong đó tập trung đông nhất là xã Tả Van và xã Mường Hoa. Dự kiến, trong kỳ nghỉ Tết, Sa Pa sẽ đón từ 80 nghìn đến 100 nghìn lượt khách du lịch.

Nhiều sản phẩm du lịch mới

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút nhiều du khách đến tham quan, vui xuân. Tua du lịch một ngày trải nghiệm bến Bình Đông-Phú Mỹ Hưng trên xe buýt hai tầng do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tổ chức đưa du khách ngắm nhìn các công trình hiện đại và các công trình có kiến trúc xưa của thành phố, tham quan bảo tàng tranh 3D Artinus, ngắm cảnh ở bến Bình Đông (Quận 8)…, giúp du khách khám phá được nét đặc trưng độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố sông nước.

Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt phối hợp Ủy ban nhân dân Quận 8 tổ chức tua tham quan đình Bình Đông hơn 170 năm tuổi, giáo xứ Bình Thuận, chợ Bình Điền, tìm hiểu các cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng đất nung, đá mỹ nghệ... Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour có tua “Biệt động Sài Gòn” thăm các cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn và đặc công rừng Sác thời kháng chiến...

Theo đại diện Saigontourist Group, cùng với các tua du lịch hấp dẫn, giá vừa phải, đơn vị đã triển khai chương trình ưu đãi đến 60% giá các dịch vụ lưu trú, ẩm thực và giải trí từ nay đến ngày 31/3.

Các điểm du lịch ở cù lao Thới Sơn, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) dịp này đón nhiều khách đến tham quan. Giám đốc Công ty du lịch xanh Nguyễn Văn Thanh (thành phố Mỹ Tho) cho biết, đến cù lao Thới Sơn, du khách được trải nghiệm đi xe ngựa, đò chèo, nghe đờn ca tài tử, tham quan vườn trái cây… Tại các nhà cổ trong Làng cổ Đông Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, lượng khách đến tham quan khá đông.

Theo chủ điểm du lịch nhà cổ Ba Đức, từ ngày mồng 1 đến mồng 3 Tết, nhà cổ đón khoảng 400 lượt khách đến ăn uống, tham quan, tăng gấp đôi so với ngày thường, phần lớn là du khách quốc tế. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, từ ngày 20 đến 24/1 (ngày 29 Tết đến mồng 3 Tết), tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang đạt gần 40.000 lượt, trong đó, khách quốc tế gần 3.000 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 30,5 tỷ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ năm 2022.

Từ sáng 25/1 (mồng 4 Tết), trên các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Văn Linh dẫn vào trung tâm thành phố Cần Thơ, lưu lượng xe cộ, phương tiện rất đông, phần lớn là xe ô-tô mang biển số các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng… Như tuyến đường 30/4 ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ có số phương tiện lưu thông rất lớn, bởi đây là tuyến đường kết nối với hai tuyến đường cửa ngõ của thành phố và dẫn đến Khu tiểu cảnh Tết xưa ở công viên mũi tàu đường Trần Quốc Toản; đường hoa Tết Quý Mão tại công viên Sông Hậu.

Đến đường hoa Tết từ rất sớm, chị Phan Thị Ngọc Tuyền, ngụ thành phố Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết, gia đình chị đi thăm họ hàng ở thành phố Cần Thơ kết hợp tham quan đường hoa Tết trong ngày mồng 4 Tết.

Đường hoa Tết năm nay bố trí ở công viên Sông Hậu có không gian đẹp, rộng rãi, nhiều tiểu cảnh khác nhau cho nên phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi. Phố Ông Lang ở xã Giai Xuân (huyện Phong Điền, Cần Thơ) cũng tấp nập khách trải nghiệm không khí Tết ở miền quê Nam Bộ. Tại đây, du khách được tham quan miễn phí, tham gia các trò chơi dân gian có thưởng như: Đua ghe tam bản, nhảy bao bố, bắt vịt dưới sông, bịt mắt đập nồi đất…

Bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm tập trung đông người

Dịp này chính quyền địa phương phối hợp các lực lượng chức năng triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, “chặt chém” giá dịch vụ đối với khách du lịch. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, các khu, điểm du lịch trong tỉnh đều tăng cường nhân lực bảo đảm an ninh trật tự; duy trì trực đường dây nóng hỗ trợ thông tin cho du khách.

Sở Du lịch thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, hoạt động lữ hành để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, phối hợp ban quản lý các khu, điểm du lịch làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, các đơn vị kinh doanh du lịch đã phối hợp cơ quan y tế địa phương làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động du lịch trên địa bàn. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ… được bảo đảm tốt, không xảy ra tình trạng gây rối mất trật tự công cộng.

Tuy nhiên, vào một số thời điểm, do số du khách đổ dồn về một số di tích khá đông, cho nên đã xảy ra tình trạng quá tải. Tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), từ đêm 21/1 (30 Tết), các nẻo đường ra, vào phủ đông nghịt người đi lễ, nhiều thời điểm xảy ra giao thông ùn tắc cục bộ.

Nhiều người đi lễ tại di tích: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… phản ánh phải trả 20 nghìn đồng cho một lượt gửi xe máy; 100 nghìn đồng/lượt gửi xe ô-tô. Tại khu vực phủ Tây Hồ, Công an quận Tây Hồ đã bắt giữ một số đối tượng móc túi của khách đi lễ. Lực lượng chức năng cần tiếp tục ra quân, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm an toàn cho người dân khi du xuân trong những ngày đầu năm mới.

Theo NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ/nhandan.vn

 https://nhandan.vn/nhon-nhip-cung-duong-du-ngoan-thien-cam-son-post736065.html