Cập nhật: 27/01/2023 08:10:00
Xem cỡ chữ

Mùa xuân, khi những bông hoa đào, hoa mận bung nở khắp các bản làng là các mẹ các chị người Dao lại tất bật chuẩn bị những món ăn ngon đậm đà hương vị vùng cao cho Tết cổ truyền. Đối với đồng bào Dao Tiền ở Sơn La, trong những ngày Tết, sẽ là thiếu sót nếu không có món măng đắng rừng.

Từ xa xưa người Dao Tiền thường lấy cây tre của cây măng đắng để dựng nhà, nên cây tre này được đồng bào rất coi trọng.  Bởi vậy trong ngày Tết, ngày Thanh minh, măng đắng là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng. Cành tre cũng là lễ vật không thể thiếu để bà con dùng trong lễ buông Tết của dân tộc.

ngay xuan len ban dao thuong thuc mang dang rung hinh anh 1

Những củ măng đắng mới đào.

Ông Tặng Văn Dần, ở bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói: “Măng đắng dường như là thứ gắn liền với cuộc sống của đồng bào miền núi. Đồng bào ở đây coi măng đắng không chỉ là món ăn thuần túy, măng đi vào đời sống, văn hóa tinh thần và cả tập quán tín ngưỡng của dân tộc. Trong tiềm thức người miền núi, măng đắng mọc là dấu hiệu gọi mưa mùa xuân về tưới đẫm những mảnh nương, sau mùa đông dài hanh khô giúp hạt giống nảy mầm. Thế nên, mùa măng đắng mọc là mốc đánh dấu cho một vụ gieo hạt mới, là lúc bà con tất bật chuẩn bị tra hạt, xuống giống. Những ngày xưa còn gian khó, mùa gieo hạt cũng thiếu thốn đủ bề chẳng khác ngày giáp hạt. Chỉ có măng đắng rừng sẵn đó giúp bao nhà đi qua mùa đói với những bữa cơm vội trên nương. Ấy thế nên măng đắng với người miền núi quý lắm, thân thương lắm”.

ngay xuan len ban dao thuong thuc mang dang rung hinh anh 2

Măng đắng rừng luộc tước miếng.

Măng đắng thường mọc từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4 âm lịch hàng năm, nhưng măng đắng ăn ngon hơn cả là khi măng được đi hái vào buổi sáng sớm tháng Giêng, khi măng chồi nhẹ lên trên mặt đất. Hễ khi thấy măng là phải đào thật sâu, lấy gốc măng thật dài để có cùi măng ngọt lịm.

Những cây măng được hái về chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Cách chế biến măng đắng cũng đa dạng khi kết hợp với các loại rau, thực phẩm và các gia vị để tạo nên món ăn ngon, hương vị đặc biệt không đơn điệu chỉ có nướng, luộc xào chay như xưa. Dù là vậy, nhưng cái vị măng đắng gắt trong bữa cơm chiều, mùi măng cháy vỏ thơm thơm khi vùi vào bếp củi dường như vẫn luôn phảng phất trong trí nhớ mỗi khi tới mùa măng.

Chị Bàn Hồng Hà ở bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ về các món ăn ngày Tết từ măng đắng rừng: “Mặc dù người ta gọi là măng đắng, nhưng nếu biết chế biến lại trở thành món ăn vô cùng hấp dẫn, như măng nhồi thịt, măng hầm xương, măng xào hay món măng đắng nướng xong rồi nộm là ngon hơn cả. Để món này thơm ngon dậy vị, măng đắng sau khi hái về, ta đem vùi gio cho chín sau đó nướng thơm rồi bóc vỏ, xé nhỏ măng thành từng miếng, rồi đem nộm cùng với các loại rau thơm, ớt, tỏi, chanh. Món ăn này bà con người Dao Tiền thường chế biến vào ăn vào những ngày Tết để giải ngán”.

ngay xuan len ban dao thuong thuc mang dang rung hinh anh 3

Măng đắng rừng - món ngon trên mâm cơm ngày Tết của đồng bào.

Nhiều người khi được thưởng thức món ăn từ măng đắng đều có chung nhận xét rằng món ăn này rất đặc biệt, ăn một lần nhớ mãi không quên. Đó là cái vị hăng hăng của búp măng khi vừa tách vỏ, vị đắng trộn lẫn vị ngọt mềm của miếng măng cứ giữ nơi đầu lưỡi.

Anh Bàn Văn Kiên ở bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Người Dao chúng tôi ai cũng biết chế biến những món ăn từ măng đắng. Ngày Tết thì nhà nào cũng có món canh măng đắng nấu xương, ăn rất ngon mà có thể giải rượu. Ngoài ra măng đắng còn dùng nấu với cá, thường ăn vào dịp Tết cổ truyền và Thanh minh, khi ăn có vị ngọt thanh của cá, vị đắng nhẹ của măng thì khó có thể lẫn được các món ăn khác; măng đắng khi hòa quyện các loại rau, gia vị của người Dao Tiền Tây Bắc thì tôi thấy rất hấp dẫn”.

Bây giờ cũng dễ hơn xưa, muốn ăn măng đắng có thể ra chợ là có thể mua măng đắng về nhà chế biến. Vì thế, trong các buổi chợ ngày xuân, các bà các mẹ Dao Tiền có lẽ không ai quên ghé sạp măng đắng lựa những củ mập mạp, trắng nõn mang về giải “ngán” cho gia đình. Măng đắng đầu mùa giòn mềm, không đắng gắt là món ngon trong mâm cơm ngày Tết của người Dao Tiền ở Sơn La, làm cho ngày Tết thêm đậm đà hương vị.

Theo Chẻo Thu/VOV-Tây Bắc

https://vov.vn/du-lich/am-thuc/ngay-xuan-len-ban-dao-thuong-thuc-mang-dang-rung-post998183.vov