Cập nhật: 03/02/2023 08:00:00
Xem cỡ chữ

Nhiều người cho rằng trẻ em sẽ không mắc nấm móng, vì trẻ không phải tiếp xúc với môi trường làm việc nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế không phải vậy, trẻ em cũng dễ mắc phải bệnh lý này, mặc dù tỉ lệ không nhiều.

Vì sao trẻ bị nấm móng?

Nấm móng ở trẻ em thường xảy ra do nhiễm nấm sợi tơ Dermatophytes và nấm hạt men Candida. Nguyên nhân là do trẻ hiếu động và ham chơi, thường dùng tay để nghịch đất, cát bẩn, cầm nắm đồ chơi, vật dụng lâu ngày bám nhiều bụi, không sạch sẽ hoặc khi tay trẻ bị trầy xước, ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi nấm xâm nhập và gây tổn thương móng.

Bên cạnh đó, yếu tố kích thích nấm phát triển và gây ra bệnh nấm móng ở trẻ em là tình trạng vệ sinh kém. Bởi ở trẻ nhỏ đều chưa ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh cá nhân. Do đó, mồ hôi và bụi bẩn có thể tích tụ bên trong móng, tạo điều kiện cho nấm men phát triển và gây bệnh.

Trẻ bị nấm móng cũng có thể do lây từ người lớn, thông qua hoạt động nắm tay, va chạm trực tiếp hoặc lây gián tiếp thông qua các vật dụng như dụng cụ cắt móng, bao tay…

Biểu hiện nấm móng ở trẻ

Biểu hiện ban đầu của bệnh nấm móng ở trẻ là những đốm trắng hoặc vàng xuất hiện dưới các đầu móng tay, bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám và có hằn sọc dọc, ngang. Chỗ tổn thương có thể có màu vàng, nâu hoặc đen, phần móng trở nên mềm, dễ gãy. Ban đầu thì có thể trẻ chỉ bị một hoặc hai ngón, nhưng càng về sau thì có thể vi khuẩn nấm sẽ lan rộng ra nhiều ngón. Trường hợp nặng mủ sẽ xuất hiện ở quanh móng tay của trẻ.

Khi mắc bệnh nấm móng sẽ khiến trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu, sưng đau và ứ mủ kéo dài. Nếu không tiến hành điều trị, móng của trẻ có thể bị hư tổn nặng và ăn mòn hoàn toàn.

Cần làm gì khi trẻ bị nấm móng? - Ảnh 2.

Biểu hiện ban đầu khi bị nấm móng tay là những đốm trắng hoặc vàng xuất hiện dưới các đầu móng tay.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc nấm móng?

Khi trẻ mắc nấm móng cần phải điều trị ngay, vì quá trình điều trị sẽ lâu dài, phức tạp và đòi hỏi sự kiên trì. Không giống như người lớn, nhiều trẻ không muốn bôi thuốc hàng ngày hoặc không giữ được vệ sinh tay chân sạch sẽ.

Thông thường, nấm móng được điều trị bằng cách sử dụng thuốc bôi kết hợp thuốc uống. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc đường uống. Vì vậy, phụ huynh chỉ cho trẻ dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh các phương pháp điều trị, cha mẹ cần lưu ý những điều sau: 

- Giúp hoặc nhắc nhở trẻ dùng thuốc, giữ vệ sinh cơ thể đều đặn, để hỗ trợ quá trình điều trị và hạn chế tái nhiễm nấm móng. Cần giữ vệ sinh cơ thể - đặc biệt là ở vùng móng và kẽ tay, chân, nếu sử dụng kìm cắt móng thì cần sử dụng riêng và được vô trùng dụng cụ cắt móng trước khi sử dụng. Cần cắt móng tay, chân cho trẻ thường xuyên, hạn chế để móng quá dài hoặc cắt quá sát.

- Tránh cho trẻ chơi đùa, tiếp xúc với nguồn nước và đất cát. Sau khi vui chơi, nên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

- Đồ dùng cá nhân cần giặt sạch sẽ, riêng đồ của trẻ như quần áo, khăn, mền, chăn gối… cần giặt với nước ấm, sau đó phơi dưới ánh nắng để loại bỏ vi nấm hoàn toàn. Nên thực hiện biện pháp này trong và sau khi điều trị để giảm tình trạng tái nhiễm.

- Tuyệt đối không cho trẻ gãi cào lên móng và vùng da xung quanh. Để giảm ngứa, phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng thuốc hoặc chườm đá. 

- Khuyến khích trẻ ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý, nhằm tăng cường sức đề kháng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể ức chế hiện tượng nhiễm trùng do nấm và rút ngắn thời gian điều trị.

Tóm lại: Nấm móng ở trẻ em không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng cũng dễ mắc, dễ tái phát. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện của bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự điều trị, dẫn đến không khỏi mà còn có nguy cơ không tốt cho sức khỏe.

Theo BS Nguyễn Thị Bích/suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/can-lam-gi-khi-tre-bi-nam-mong-169230131193827123.htm